Nên tùy duyên với xác thân tứ đại


HỎI: Cha tôi mất 1996, đến năm 2013, anh em tôi đã bốc mộ cải táng tại nghĩa trang. Nay chúng tôi muốn bốc mộ cha lần nữa để mang tro cốt về chùa. Anh em tôi rất phân vân, không biết theo quan điểm Phật giáo thì có nên làm hay không? Mong quý Báo giúp đỡ.
 
(KHẮC TÂM, tathti…@gmail.com)

Con người sau khi chết thì tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn thân thể tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trả về với tứ đại
 
ĐÁP:
 
Bạn Khắc Tâm thân mến!
 
Hiện nay, tùy theo phong tục của từng vùng miền mà có cách thức mai táng khác nhau. Một số vùng miền thì sau khi chôn cất, xây lăng đắp mộ là xong. Một số vùng miền khác, sau khi chôn cất một thời gian khoảng vài năm thì cải táng, cải táng xong lập mộ phần cũng được xem là xong. Hiện có khá nhiều nơi ở đô thị chọn phương thức hỏa táng, tro cốt đem thờ ở chùa hoặc nghĩa trang là đã xong.
 
Nói chung, sau khi đã lo xong, ổn định mộ phần cho người chết theo các cách như trên thì thân nhân không còn lo nghĩ gì thêm, chỉ còn việc thăm viếng hương khói hay sửa sang tu bổ nếu cần. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như giải tỏa nghĩa trang (hay nghĩa trang quá xa nơi ở hiện tại, con cháu không tiện thăm viếng và nhang khói, hoặc muốn thỉnh các cụ về quê cha đất tổ) thì mới tiếp tục dời mộ sang nơi khác, hoặc đem thiêu thờ ở chùa gần nhà. Trường hợp của gia đình bạn, mộ phần của cụ ông được xem là đã ổn định. Nếu không vì nhu cầu thỉnh cụ về gần con cháu (hay về quê) thì cứ để cụ an yên.
 
Với Phật giáo, con người sau khi chết thì tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn thân thể tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trả về với tứ đại. Người chết gửi nắm xương ở nghĩa trang hay chút tro ở chùa đều chẳng khác nhau. Vì thế, người Phật tử chân chính, hiếu thảo thì siêng năng làm phước để hồi hướng công đức phước báo cho người thân đã mất. Còn xương (tro) thuộc thân tứ đại của người chết thì tùy duyên; an táng cách nào cũng được.
 
Chúc bạn tinh tấn!