Như thế nào là ngay thẳng khác với tà vạy?


Người đời nay thấy những kẻ thật thà dễ sai bảo thì xem đó là người hiền lành mà chọn dùng. Bậc thánh nhân xưa kia thà chọn dùng những người có chí khí hướng thiện hoặc có quyết tâm không làm việc ác. Với những kẻ thật thà dễ sai bảo, tuy ở trong một thôn xóm thì có thể xem là tốt, nhưng đối với nền đạo đức chung thì đó là những kẻ gây tổn hại vì chỉ biết thuận theo thế tục chứ không hề có ý chí hướng thiện.

Cho nên, cách phân biệt thiện ác của người thế tục đem so với bậc thánh nhân rõ ràng có sự trái ngược nhau. Từ đó mà suy ra, hết thảy những sự chọn lựa yêu ghét, lấy bỏ của người đời cũng đều có sai lầm. Sự phân biệt những điều phước thiện hay tà ác, họa hại của quỷ thần cũng đều tương đồng với sự phân biệt những điều đúng đắn hay sai lầm của bậc thánh nhân, nhưng lại khác biệt với những sự phân biệt yêu ghét, lấy bỏ của người đời.

Vì thế, nếu muốn làm thiện tích đức, chắc chắn không thể tùy theo những điều tai nghe mắt thấy của riêng mình, mà phải xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm kín đáo trong tâm, âm thầm tu sửa gột rửa dứt sạch mọi điều tà vạy.

Nếu chỉ còn duy nhất một tâm nguyện cứu người giúp đời, đó là làm thiện một cách ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm dối người gạt đời, ắt đó là làm thiện một cách tà vạy; nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện thương người yêu đời, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm giận người hận đời, ắt đó là tà vạy; nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện cung kính người khác, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm bỡn cợt, ắt đó là tà vạy. Những lý lẽ phân biệt như thế đều nên phân tích khảo xét cho thật kỹ lưỡng.