Phật hóa gia đình


GN - Chúng ta đều biết, gia đình là nhân tố làm nên xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt, gia đình xấu thì xã hội xấu.


Bạn nhỏ phương Tây được cha mẹ đưa tới Làng Mai tìm hiểu Phật pháp - Ảnh minh họa

Từ cổ kim, khắp đông tây, bất cứ thời đại nào, xã hội nào thiện, ác cũng đều song song tồn tại. Sự cách biệt ít nhiều đều do từ nhân duyên tạo tác. Đức Phật đã từng dạy: “Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm” nhằm hướng đại chúng đến cuộc sống an vui lành mạnh, tiêu trừ ác nghiệp. Tăng-già là sứ giả Như Lai đã truyền đạt giáo pháp vi diệu đến với đại chúng. Nếu không có đại chúng thì không có Tăng-già.

Người xưa nói: “Phi đàn việt bất thành Tam bảo”. Lại còn khẳng định: “Phật Pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do đàn việt hộ trì” đã nói lên sự cúng dường của đại chúng để phụng sự Tam bảo là điều không thể thiếu.

Đại chúng đã quy y Tam bảo tức là đã phát tâm hướng về Phật Pháp Tăng. Bởi còn gia duyên bận buộc nên chưa thể sống theo hạnh xuất gia như các bậc Tăng-già, nhưng cũng đã có nhân duyên thường xuyên được về chùa lễ Phật tụng kinh, nghe pháp tất cũng đã thấm nhuần nếp nghĩ, nếp sống theo Phật. Nhưng nếu đã thấm nhuần mà cứ khư khư giữ lấy sự thấm nhuần ấy cho riêng bản thân thì cũng chưa hẳn là một Phật tử thuần thành.

Chúng ta đều biết Phật giáo là đạo nhập thế nhằm mục đích cao cả là cứu độ chúng sanh thoát ra khỏi vòng khổ ải. Điều khổ lớn nhất trong các điều khổ là không làm chủ được tinh thần để phải sa ngã vào con đường tội lỗi nhưng chúng ta lại không nhìn thấy được. “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Còn là chúng sanh nên cái nhân chưa nhìn thấy được. Hoặc đã có nhìn thấy nhưng vì thân còn ở trong vòng mê muội nên tâm để lạc mất lối về. Đến khi quả hiện thì mọi việc đã trở nên quá ư muộn màng. Phật tử học Phật là học cái thấy được tác nhân gây nên tội lỗi để tự kềm chế, xa lìa. Gần thầy gần bạn để thu lượm thành quả của Pháp môn. Khi đã thu lượm được thành quả thì cũng nên biết sử dụng thành quả ấy để lợi lạc quần sinh, ít nhất là trong gia đình.

Đem những giáo lý đã học hỏi được, lấy hạnh sống của tự thân Phật tử qua giáo lý đã được học hỏi ấy ứng dụng vào thực tế giữa đời thường để làm gương tốt cho những người trong gia đình nhìn thấy, noi theo. Ứng dụng nhưng không là ứng dụng theo lối cứng nhắc mà phải biết tùy duyên uyển chuyển theo thực tế tính chất của mỗi người mỗi việc miễn là không thấy sương rơi mà vẫn ướt áo. Ngược lại, có thể sẽ là vấp phải sự phản ứng, đã không đem đến được tác dụng, có khi còn là tác hại không đáng có.

Cũng như thế, tất cả những giáo pháp mà người con Phật đã học được, đã nghiêm hành được, muốn tạo duyên cho những người trong gia đình cùng noi theo thì cần phải biết uyển chuyển áp dụng giáo pháp đưa vào những hướng đi đạo đức trong cuộc sống thực tại. Phật vì chúng sanh mà hóa độ nên không có giáo pháp nào của Như Lai mà không thể chuyển hóa thành môn đạo đức học làm người.

Tạo nên được duyên lành cho tất cả mọi thành viên trong gia đình có được cuộc sống đạo đức tốt lấy từ giáo pháp chuyển hóa đã là gián tiếp hướng dẫn họ đi theo Phật đạo. Đạo đức là phương tiện. Khi phương tiện đã thông suốt thì cứu cánh tất nhiên hẳn có. Những thành viên trong gia đình đã phát tâm hướng Phật thì duyên lành khởi sanh, mầm xấu tận diệt. Đó là nhân tố tích cực để làm cho xã hội được tốt đẹp hơn. Việc xấu ác tuy không tiêu trừ dứt điểm nhưng sự giảm thiểu là điều tất yếu.

Giữa đời có đạo, trong đạo có đời đều nhằm mục đích giáo hóa tha nhân trở về bản thể chân thiện mỹ là chúng ta đã gián tiếp tạo nên công đức hộ trì thiền môn hưng thịnh và cũng là nhân duyên để Tăng-già hoằng hóa cho Phật Pháp xương minh. Đó là sự cúng dường Tam bảo về mặt tinh thần, bởi sự thành tâm cúng dường không chỉ đơn thuần là vật chất.