Phước có hay không?


GN - Vài người bạn đã hỏi tôi như vậy và tôi khẳng định với họ là có. Họ buộc tôi phải giải thích rõ ràng và chứng minh cụ thể họ mới tin. Giải thích dài dòng nên tôi chỉ cho họ thấy những người giàu có sang trọng, trúng số đặc biệt, tai qua nạn khỏi… mà người đời cho là có phước. Nhưng, các bạn tôi lại bảo đó là số mạng và may mắn. Tôi bèn kể cho họ nghe một chuyện liên quan đến phước mà tôi biết rõ đến từng chi tiết.

phuoc.jpeg
Lộc xuân - Ảnh minh họa

Hồi còn chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Tôi có đứa em gái họ lấy chồng làm việc ở Sài Gòn. Một hôm, nó bồng đứa con trai ba tuổi đi thăm chồng. Vé đã mua và đang ngồi trên xe chờ đợi giờ khởi hành. Bỗng thằng bé chợt khóc ré lên, giãy giụa liên tục, mẹ nó dỗ dành mãi không nín. Người ngồi kế bên nói chắc nó đau bụng và khuyên em gái tôi bồng con đi bệnh viện. Nó lưỡng lự nhưng thằng bé càng khóc dữ dội, trên gương mặt biểu hiện nỗi đau đớn oằn oại buộc lòng mẹ nó phải hủy bỏ chuyến đi, bồng nó vô bệnh viện. Bác sĩ cho biết thằng nhỏ bị ngộ độc thực phẩm. Không ngờ, chuyến xe đó là chuyến xe định mệnh, chạy giữa đường cán phải mìn nổ tung, hầu hết hành khách trên xe đều bị thương vong! Em gái tôi thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc như trong chuyện cổ tích.

Kể xong tôi kết luận: nếu phước không có tại sao người xưa xếp nó vào Tam tài Phước Lộc Thọ, chúc nhau phước như Đông hải, trăm năm hạnh phúc và viết thành hai câu liễn đối mừng Tết đến xuân về “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”. (Tạm dịch: Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi. Xuân đầy trời đất, phước đầy nhà).

Lúc bấy giờ tôi cũng cho chuyện em tôi là sự trùng hợp ngẫu nhiên có chút may mắn. Sau khi tiếp xúc với giáo lý Phật giáo, tôi mới thấy em gái tôi có phước. Bằng chứng là gia đình chú tôi là tín đồ Phật giáo, cha mẹ con cái đều quy y thọ giới, ăn chay mỗi tháng sáu ngày. Sống bằng nghề nông, khá giả sung túc, chỉ làm việc lành chứ không làm việc “thất đức bất nhân”. Em gái tôi đậu tú tài toàn phần, là giáo viên ngạch Giáo học bổ túc, thùy mị dịu dàng, có chồng sĩ quan. Là con gái trong gia đình gia giáo lại là nhà mô phạm điềm đạm, đoan trang nên từ nhỏ đến lớn tôi cũng không thấy nó làm điều gì sai trái.

Ở đời, ngoài đời sống vật chất và tinh thần, con người còn có đời sống thứ ba, đó là đời sống tâm linh (hay còn gọi là đạo đức). Đời sống này gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng nhưng không hề huyền bí, hoang đường và phản khoa học. Nhà bác học thiên tài Albert Einstein từng khẳng định khoa học luôn song hành với tôn giáo, ông nói “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”. Từ đó, ông cho rằng khoa học và đời sống tâm linh là hai thứ không thể tách rời trong cuộc sống của con người nhưng cần phải duy trì sự cân bằng giữa tín ngưỡng và khoa học để có cái nhìn thực tế về cuộc sống, thay vì cuồng tín hay phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo. Đối với đạo Phật, ông đã hết lời ngợi khen “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật giáo”.

Tâm linh là một thuật ngữ bao hàm trí tuệ, ý thức, tinh thần của một sinh vật và cao hơn là con người. Trong cuộc sống có nhiều hiện tượng kỳ bí nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người như ngoại cảm, thần giao cách cảm, giác quan thứ sáu, mộng du, thôi miên... mà khoa học chưa khám phá, giải thích và chứng minh được hết. Phước cũng thuộc về thế giới tâm linh và cũng chưa được khoa học giải thích, chứng minh như những hiện tượng trên nên nó vẫn còn là điều bí ẩn khiến nhiều người ngờ vực, hoài nghi.

Vũ trụ có nhiều thứ thuộc thế giới vật chất nhưng lại vô hình nên rất khó nhận thấy như điện, không khí, gió… Người ta chỉ thấy chúng bằng những hình ảnh cụ thể khi bị điện giật, bóng đèn cháy sáng, khi chết đuối, chết ngạt do thiếu không khí và bão tố cuồng phong. Còn phước thuộc thế giới tâm linh siêu hình lại càng không thể thấy. Chúng chỉ biểu hiện bằng những việc tốt lành như giàu có sang trọng, trúng số đặc biệt, tai qua nạn khỏi…

Phước được tạo ra bởi hành động của con người thông qua ý nghĩ, lời nói và việc làm. Hành động của con người tạo ra nhân, nhân sanh ra quả. Nhân quả có mối liên hệ hữu cơ với nhau không chỉ trong hiện tại mà còn trong quá khứ và tương lai. Hành động của con người có thiện có ác và không thiện không ác. Thiện sinh ra phước, ác sinh ra họa. Phước sinh ra niềm vui, họa sinh ra nỗi buồn. Tạo nhiều việc lành sẽ có nhiều phước, cuộc sống sung sướng hạnh phúc, tạo nhiều việc dữ sẽ chuốc lấy họa, cuộc sống bất hạnh khổ đau.

Kinh Dịch có câu “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Tạm dịch là: Nhà chứa thiện sẽ có dư phước, nhà chứa ác sẽ có dư  họa. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhạc phẩm Ngụ ngôn mùa đông, lời bài hát có đoạn “Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan”. Dù có là hư cấu nhưng trong cuộc sống, nhất là trong chiến tranh, bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra. Tôi nghĩ, có lẽ người ấy vô phước nên chết rồi vẫn còn gặp tai nạn thảm khốc?

Bất cứ một hiện tượng nào xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai ở cả ba lãnh vực vật chất, tinh thần và tâm linh đều có nguyên nhân và kết quả. Ba kiếp lại có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chết là hết, không có kiếp trước kiếp sau và tái sinh nên chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện tại. Kinh Nhân quả có câu “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Nghĩa là, muốn biết cái nhân kiếp trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả kiếp sau, hãy nhìn việc làm ngay hôm nay.

Quá khứ và tương lai đều có gần và xa. Gần là kiếp này, xa là kiếp trước, kiếp sau. Trên thế giới đã có nhiều người biết được kiếp trước của mình, ngay cả ở các nước tiên tiến, phát triển như Mỹ, Anh. Trong đó có khoảng 2.500 trường hợp được lưu trữ tại Đại học Virginia (Mỹ). Nước ta cũng có vài trường hợp tương tự, cụ thể là trường hợp bé Bùi Lạc Bình ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) tự nhận mình là bé Nguyễn Phú Quyết Tiến, cùng quê với Bình, bị chết đuối năm 1995 trước khi Bình chào đời năm 2002. Sự việc đã được cả cha mẹ Bình và Tiến kiểm chứng nhiều lần với nhiều cách khác nhau mới tin là thật và được báo An Ninh Thủ Đô đăng tải ngày 12-1-2014 làm xôn xao dư luận một thời gian. Còn kiếp sau, dù không ai biết đích xác tương lai của mình như thế nào nhưng căn cứ vào những lời nói, việc làm của mình ở hiện tại cũng có thể đoán biết được phần nào. Ví như xem hết một tập phim, người ta có thể đoán được không nhiều thì ít những tình tiết diễn biến của tập sau. Việc “bỏ quên” hai kiếp trước, sau và đời sống tâm linh đã đem lại những hệ lụy nhức nhối, đau lòng đầy dẫy trong xã hội hiện nay.

Như vậy, mỗi người đều có ba kiếp sống, luân chuyển liên tục như cái bánh xe. Tương lai thành hiện tại, hiện tại thành quá khứ, quá khứ thành tương lai (tái sinh). Nghiệp nhân và nghiệp quả cũng vậy, nghiệp nhân kiếp trước sanh ra nghiệp quả kiếp sau và trở thành nguyên nhân của kiếp sau nữa, tạo thành chuỗi mắt xích vô tận suốt cuộc đời người. Chuỗi mắt xích đó chỉ có thể phá bỏ khi người ta tu hành và giác ngộ.

Đời người tựa như đám mây đang bay trên trời, nay tụ mai tan. Khi chết, không có ai mang theo được gì ngoại trừ cái Nghiệp. Tạo nhiều nghiệp lành thì hưởng phước lành, tai qua nạn khỏi, sung sướng hạnh phúc; tạo nhiều nghiệp dữ sẽ chuốc tai họa, bất hạnh khổ đau. Sống lâu hay chết sớm, giàu sang hay nghèo hèn, sung sướng hay đau khổ, khỏe mạnh hay yếu đuối… đều do cái Nghiệp của mình tạo ra và luật Nhân quả định đoạt chứ không phải do “ông Trời” sắp đặt, an bài như người đời lầm tưởng. Nghiệp nhân đã tạo rồi thì dứt khoát phải nhận lấy nghiệp quả dù có cầu khẩn, van xin đến đâu cũng không có ai thay đổi được, kể cả Phật Thích Ca.

Người xưa đã từng cảnh báo “Dương hiến mật nhi dị lậu, âm đức sơ nhi nan đào”, nghĩa là: Pháp luật thế gian nhặt nhưng dễ lọt, tấm lưới âm đức thưa nhưng khó trốn. “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, nghĩa là: Thiện ác báo ứng cho đến cuối đời, chỉ khác nhau ở chỗ đến sớm hay muộn, cho nên có bay cao, chạy xa đến đâu cũng vô ích, không bao giờ trốn thoát được.

Cuộc sống rất tinh tế và nhiệm mầu nhưng do vô minh nên nhiều người không thấy. Thiền sư Suzuki viết: “Thấy đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo. Thấy chính là chứng ngộ”.