Tham vọng quá lớn?


Ảnh: Pxhere

Buổi sáng khi Ta ngồi buông xả với tâm rỗng lặng trong sáng, chợt nghe tiếng chim hót rồi lại tắt, rồi tiếng ai nói cất lên rồi lại tắt thì đó là tùy duyên. Tất cả mọi thứ xảy ra đều luôn là mới mẻ. Nhưng nếu Ta thấy chim hót hay quá, lắng nghe thêm xem nó còn hót nữa không… sao nghe hoài không thấy nó hót lại gì cả? Đó là khi bản ngã đã xen vào, muốn sắp đặt, tìm kiếm, đã là tạo tác mất rồi.

Tại sao tâm hồn của chúng ta không đủ mới mẻ để thấy mọi thứ cũng mới mẻ đến rồi đi? Bởi vì chúng ta muốn lập trình, bắt nó phải thế này, phải thế kia, theo công thức này hay công thức khác.

Pháp thì luôn biến đổi một cách tự nhiên, còn Ta lại muốn nó thay đổi như ý mình. Vậy hãy thử tự quan sát xem khi thuận theo tự nhiên thì hành động thân-khẩu-ý nơi mình nó ra làm sao, còn khi chỉ làm theo ý mình thì nó ra làm sao?

Bây giờ đang là buổi sáng ban mai thì lại muốn nó phải là hoàng hôn, và thế là suốt từ bây giờ cho đến khi hoàng hôn buông xuống, mình chờ đợi trong phiền não và đau khổ.

Tại sao mình lại không thấy vẻ đẹp của ánh ban mai? Vẻ đẹp của ánh nắng mặt trời đã lên cao? Rồi vẻ đẹp của mặt trời đứng bóng? Tại sao mình không thấy được những vẻ đẹp khác nhau ấy mà cứ phải chờ hoàng hôn tới?

Con người nhỏ bé đang sống trong vũ trụ bao la luôn vận hành theo quy luật tự nhiên lại đòi thay đổi vũ trụ này theo ý mình hoặc muốn nó trở thành của mình. Đó phải chăng là tham vọng quá lớn?

Lẽ ra nên xem cho kỹ mọi biến đổi của pháp tự nhiên như thế nào để tùy theo đó mà sống cho thích hợp, thì Ta lại muốn thiên nhiên làm theo ý mình…


Hoà thượng Viên Minh
Trích khóa thiền số 12