Thế nào là không bị dính mắc trong mối quan hệ


Ảnh: Pxhere

Trước nhất, bạn phải nhận định rõ dính mắc là gì, rồi mới có thể cởi bỏ nó. Đó là lúc bạn nhận chân được sự không dính mắc.

Tuy nhiên, nếu bạn lại có sẵn định kiến rằng “mình không nên dính mắc”, thì mọi sự cũng vẫn vậy, không có gì chuyển hóa. Vấn đề là không đứng trên lập trường chống đối sự dính mắc, coi dính mắc như là một điều cấm kỵ, mà là quan sát nó.

Hãy tự hỏi: “Dính mắc là gì? Dính mắc vào một vật có đem lại cho ta hạnh phúc hoặc đau khổ chăng?” Rồi chúng ta quán chiếu điều đó. Như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được dính mắc là gì và rồi chúng ta có thể buông xả nó.

Nếu bạn lại từ một vị trí lý tưởng mà cho là rằng mình không nên để bị dính mắc vào bất cứ cái gì, thì bạn sẽ nảy ra ý kiến rằng: “Ồ, tôi không thể là một Phật tử vì tôi yêu vợ tôi, vì tôi bị dính mắc với vợ tôi. Tôi yêu nàng và tôi không thể buông nàng ra được. Tôi không thể xa nàng được.” Loại suy nghĩ này phát sinh từ ý kiến rằng bạn không thể để cho mình bị dính mắc.

Nhận chân được sự dính mắc không có nghĩa là bạn từ bỏ vợ bạn. Nó chỉ có nghĩa là bạn từ bỏ quan điểm sai lầm về tình cảm giữa bạn và vợ bạn mà thôi. Sau khi nhìn rõ vấn đề rồi, bạn sẽ thấy là tình yêu thương vợ thì vẫn còn đó, nhưng là tình yêu thương trong sáng, không bị biến dạng thành ra đeo cứng, bám chặt lấy nhau. Một trái tim bao la, trong sáng, có quá đủ khả năng để yêu thương người khác trong trạng thái thuần khiết. Bất cứ một sự bám víu, dính mắc nào cũng sẽ phá vỡ tình yêu thuần khiết ấy.

Nếu bạn yêu ai, rồi khởi sự muốn nắm giữ, níu kéo, thế là từ đó mọi chuyện bắt đầu phức tạp, thành ra tình yêu của bạn đem lại đau khổ cho chính bạn. Thí dụ, bạn yêu con cái trong nhà, nhưng nếu bạn trở nên dính mắc vào chúng, thế là bạn không còn thật sự yêu chúng được nữa, bởi vì bạn không còn thật sự gắn bó với con người thật của chúng. Bạn sẽ có đủ loại ý kiến cho tương lai của chúng, nên như thế này, như thế kia, và đủ loại ước mơ mà bạn kỳ vọng nơi chúng.

Bạn muốn chúng vâng lời bạn, muốn chúng trở nên tốt lành, muốn chúng học hành giỏi. Với thái độ đó trong cách đối xử với con cái, bạn đã không còn thật sự thương yêu chúng, bởi vì nếu chúng không thỏa mãn được niềm mong mỏi của bạn, thì cơn giận giữ vì thất vọng của bạn sẽ nổi lên, và bạn sẽ chống đối lại chúng. Do đó sự dính mắc vào con cái lại trở thành chướng ngại cản trở tình thương con của cha mẹ.

Nhưng khi bạn buông xả được sự dính mắc rồi, thì bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa những người thân của chúng ta chính là thương yêu nhau một cách hồn nhiên. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có thể để cho con cái được tự do sống theo ước vọng của chúng, hơn là cương quyết bắt chúng phải trở thành như điều mà chúng ta muốn.

Khi tôi nói chuyện với các bậc phụ huynh, họ thường than phiền rằng, việc có con cái đã đem lại cho họ nhiều nỗi thống khổ, cũng vì họ đã kỳ vọng vào chúng biết là bao. Khi chúng ta mong mỏi con cái đi trên con đường cụ thể nào đó, chứ không phải là con đường khác, thế là chúng ta đã tạo ra nỗi phiền não và đau khổ trong tâm. Nếu chúng ta càng buông xả được những tư tưởng đó ra khỏi tâm, thì chúng ta càng có được khả năng đáng kinh ngạc về sự cảm nhận và phát hiện ra con người thật của con cái chúng ta.

Sự cởi mở đó của chúng ta dĩ nhiên sẽ khiến cho con cái cảm thấy gần gũi với cha mẹ hơn. Chúng sẽ tâm tình với chúng ta, chứ không còn phản ứng tiêu cực như khi chúng ta cứ bám sát để kiểm soát chúng nữa. Bạn cũng thấy rằng đã có biết bao nhiêu người trẻ tuổi, phản ứng một cách không cảm thông trước lời ra lệnh của chúng ta: “Cha mẹ muốn con trở nên như thế này, hay như thế kia”.

Một tâm hồn bao la, thanh tịnh, không phải là một tâm hồn rỗng tuếch, khiến cho bạn không có cảm xúc hoặc quan tâm về bất cứ điều gì. Đó là một tâm hồn ngời sáng, ánh sáng của sự mẫn cảm và tấm lòng rộng mở. Đó chính là khả năng thích hợp với đời, chấp nhận cuộc đời nó là như thế.

Khi chúng ta chấp nhận cuộc đời nó là như thế, thì chúng ta có thể đáp ứng một cách thích hợp trong mọi hoàn cảnh, chứ không đến nỗi chỉ biết phản ứng một cách lo âu và chống cự đối với cuộc đời…


Ajahn Sumedho
Trích “The Mind and the Way, Buddhist Reflections on Life” – Chương “Seeing the way!”