Truyện ngắn: Đức Phật dạy về hạnh Bố thí


Đức Phật dạy về hạnh Bố thí

    Ngày xưa có một vị trưởng giả, tánh rất tham lam, bỏn sẻn. Đức Phật muốn độ ông ta, trước sai Tôn giả Xá-lợi-phất vì ông mà nói các pháp công đức bố thí, nhưng vị trưởng giả này không phát tâm bố thí. Thấy trời đã gần trưa, ông nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
    - Ngài nên đi, tôi không cúng đồ ăn cho ngài đâu.
   Tôn giả Xá-lợi-phất biết ông này không thể hóa độ liền trở về thưa lại với Phật. Đức Phật lại sai Tôn giả Mục-kiền-liên vận thần thông bay đến nhà ông ta để giáo hóa. Trưởng giả lại nói:
   - Ngài muốn xin tôi thứ gì mà làm huyễn thuật này?
Tôn giả Mục-kiền-liên biết vị này khó cảm hóa, liền trở về trình lại với Phật. Khi ấy Đức Phật vì lòng thương xót, muốn dẹp bỏ lòng tham lam bỏn sẻn của ông ta, nên Ngài thân hành đi đến nhà, vị trưởng giả khi thấy Đức Phật đến, liền bước ra lễ Phật và mời Ngài vào ghế ngồi. Đức Phật nói các pháp phương tiện, Ngài nói với trưởng giả:
   - Ông có thể thực hành năm việc bố thí lớn không?
Vị trưởng giả thưa:
   - Bố thí nhỏ con còn làm chưa được, huống gì bố thí lớn.
   Nhưng ông cũng hỏi Đức Phật:
–Thưa Ngài năm việc bố thí lớn là những gì?
Phật dạy:
–Năm việc bố thí lớn là: Một, không được sát sinh, ông có thể làm được không?
Vị trưởng giả suy nghĩ: “Nếu không sát sinh sẽ không tổn thất tiền tài, thú vật, như vậy thì được.” Ông liền bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, việc ấy con làm được…
    Như vậy, thứ lớp Ngài hỏi đến các giới và cuối cùng là không uống rượu, ông đều thưa là có thể làm được.
Khi ấy Đức Phật vì vị trưởng giả mà giảng ý nghĩa năm giới, nếu có thể thọ trì năm giới này thì người ấy đã làm xong năm việc bố thí lớn.
Khi trưởng giả nghe Đức Phật dạy như vậy, tâm rất hoan hỷ, muốn đem một khổ lụa xấu để cúng dường Ngài, liền vào kho tìm mà không có vải xấu, phải lấy một khổ vải tốt để cúng dường Đức Phật. Nhưng tất cả vải, lụa trong kho đều kéo dính theo, làm cho tâm ông ta do dự. Khi ông đến trước Phật, Đức Phật biết tâm ông chưa định, Ngài nói với trưởng giả:
–Trời Đế Thích cùng với loài A-tu-la chiến đấu, do tâm của vua không được định tĩnh cho nên ba lần tấn công mà không được như ý. Về sau vua trời tâm đã định, liền phá tan quân của A-tu-la.
Vị trưởng giả nghe Đức Phật dạy như vậy, biết Ngài là Bậc Đại Thánh hiểu rõ tâm ý của người; phát sinh lòng tin tưởng, tâm được thanh tịnh. Đức Phật liền vì ông ta mà nói pháp, ông ta chứng đạo quả Tu-đà-hoàn.
Ngày hôm sau, Ma vương biết được tâm ý của ông đã chuyển đổi, liền hóa làm Phật đi đến để phá hoại. Vị trưởng giả vì chưa được tha tâm thông nên không biết là ma, nên rất hoan hỷ, nghênh đón, mời vào ghế ngồi. Ma nói với trưởng giả:
–Những lời ngày hôm qua ta đã nói chỉ là phương tiện hoàn toàn không phải là lời mà Bậc Giác Ngộ nên nói, ngươi mau bỏ những ý tưởng ấy đi.
Vị trưởng giả khi nghe lời dạy ấy, cảm thấy quái lạ. Ông suy nghĩ: “Hình thức vị này tuy giống Phật mà lời nói nội dung rất trái, như con lừa đội lốt sư tử, hình thức là con sư tử, mà tâm ý chỉ là lừa”, nên ông không chịu tin.
Ma biết tâm của ông ta đã chân chánh, không thể phá hoại, liền hiện nguyên hình nói:
–Ta cố đến thử ngươi mà tâm ngươi không lay chuyển.

    Thế cho nên trong kinh có dạy: Người thấy được chân lý còn không tin lời ma giả Phật, huống gì các đạo quả khác. Do quán sát nghĩa lý sâu xa, cho nên đệ tử của Phật đều hiểu sâu đạo lý, thì dù ma nói hay Phật nói, đều có thể biết rõ. Vì vậy cho nên, nghĩa lý Phật pháp không thể không học, bố thí không thể không tu.

Nguồn: Kinh Tuyển tập Thí dụ, Quyển 1, bài số 9