Tự trọng - vốn đạo đức quý giá của mỗi người



Vàng ngọc là loài vô tri vô giác mà mọi người đều quí báu và nâng niu chẳng khác nào tánh mạng, vì nó giữ gìn được tánh sáng suốt tốt đẹp, dầu bỏ vào bùn lầy nhơ nhớp cũng chẳng lu lờ.

Còn hoa sen tuy là loài thảo mộc, không có tánh tình cảm giác, chỉ sanh trưởng trong đám bùn nhơ, nhưng chẳng ai dám chê nó là đồ hoa vô dụng, bởi gần bùn mà chẳng nhiễm lấy mùi bùn.

Hai vật ấy toàn là loài vô tri vô giác mà có tánh đáng quí, nên người ta quí, có tánh đáng trọng, nên người ta trọng. Huống chi có tri giác như loài người, vậy chúng ta lại không biết tự trọng hay sao?

Ngài Tống Minh Giáo Tông Hoà thượng từng nói rằng: “Tôn mạc tôn hồ dao, quí mạc quí hồ đức, đạo đức chí sở bất tồn tay vượng thiên hạ phi thông giả” – (Nghĩa là: “Cho hay đạo đức là môn đáng tôn quí và sang suốt hơn cả. Người ta muốn tự trọng tức là người ta phải trọng phần đạo đức sáng suốt của người ta vậy”.

Đạo đức là một phạm vi rộng lớn, bao nhiêu phẩm hạnh cao quí, đức tánh thanh nhã, và những sự phải hay đều gồm cả trong đó; nếu ngoài cái vòng ấy mà phải sanh một ý chí, một tánh tình, hay là một công việc tại vị chi, cũng đều là thái độ của những người đem mình chọn vào chỗ thấp hèn không biết tự trọng.

Đời lắm kẻ mưu mô tài trí, xuất chúng siêu quần, nhưng rốt cuộc cũng bị xem thường và khinh rẻ.

Trái lại, có những người thiệt thà chất phát, nhưng ở đâu cũng được người ta kính trọng như bực đàn anh, Xét ra không ngoài hai chữ “Tự trọng”.

Biết tự trọng là quân tử, không biết tự trọng là tiểu nhơn; biết tự trọng là hiền thánh, không biết tự trọng là phàm phu ngu muội, vân vân…

Nhưng biết tự trọng là chi?

Phật dạy rằng: ai ai cũng có tâm tánh như ngài cả, nghĩa là tâm tánh như vàng ngọc, như hoa sen, dần trải qua vô lượng thời gian, bị chôn sâu trong chỗ tối tăm ô nhớp, trong lục đạo luân hồi, nhưng chẳng bao giờ bị lu lờ và thay đổi.

Nếu ta biết ghi nhớ, biết khêu gợi cho nó được tỏ rõ ra, thì dâu ta ở vào địa vị nào cũng tự mình cao quí và tôn vinh. Vậy nên dầu vào hoàn cảnh nào, hay là trường hợp nào, thì cũng có thể tự trọng được.

Người làm thợ, tối ngày lo làm hết phận sự, chỉ thật thà vui vẻ không dối trá, đảo điên, gạt lường người, vân vân…ấy là người thợ biết tự trọng, không ai dám trách móc khinh thị.

Người học trò chăm lo học tập, thật hành những điều hay mà mình đã học, về nhà không bị tiếng than phiền của cha mẹ, đến trường là một người học trò giữ trọn qui luật, thầy thương yêu, bạn kính nể, ấy là người học trò biết tự trọng.

Kẻ làm quan thì hết lòng thương nước giúp dân, không lừa trên hiếp dưới chung lấn kẻ thấp hèn nên tận tâm làm việc công ích, dầu đã chết mà danh thơm vẫn còn được mọi người ca tụng, ấy là biết tự trọng trong việc làm quan.

Cho đến hạng người nào cũng như thế, dầu kẻ đi buôn, người làm ruộng, kẻ làm chủ, người làm tư, vân vân…mà đều giữ trọn phận sự, thật thà ngay thẳng, hiền lành khiêm tốn, không khi nào có những đều gì cũng chê bai, ấy là người đã nên cao đạo đức của mình cho mọi người trông ngó, ấy cũng là hạng người biết tự trọng, không hạ mình ngang với bậc thấp thôi.

Xem như thế, thì tánh tự trọng đối với người có tu hành, tại phải coi như một sự mật thiết quan trọng hơn cả.

Những hạng người tu là hạng người biết sửa mình trong khi biết mình có lỗi, giữ mình trước khi xảy ra những tội lỗi bất ngờ, làm mảnh gương trong sáng cho mọi người soi ngó, và làm bực cao tôn cho mọi người kính trọng.

Như vậy đối với sự tự trọng, luôn luôn phải chú ý, nghĩa là: lúc nào hay ở chỗ nào, cũng giữ gìn cẩn thận, không làm đều trái, không phạm việc bất chánh, vì đức cao quí của mình sẵn có.

Đức cao quí ấy chẳng những Phật có, mà ai ai cũng đều có, đều kẻ thượng lưu trí thức cho đều hạng người khốn cùng thường đi xin ấu và đứa bé nhỏ cũng chẳng khác nhau bao giờ.

Song thường cảm thấy quanh mình có lắm đều tàn khốc, lắm sự hèn hạ bất lương; đó đều là kết quả của người không biết tự trọng.

Kia như các bực tiền bối cũng đồng là người như chúng ta, mà này các ngài đã thành Phật, Bồ tát, hay là Tổ sư; mà chúng ta không thể sánh bằng cũng bỡi cứ coi ta là hèn hạ, rồi tự khinh ta mãi.

Sống không biết rằng muốn được cái kết quả hơn người là khi nào cũng phải có những đức tánh hơn người, biết tự trọng mình hơn mọi người trọng mình, nên chỉ mong ra tâm niệm xấu xa, lòng vị kỷ và kiêu mạn đè ép mọi người, tôn cao mình lên mà chẳng cao trọng chút nào, lấy lời thô tục chê bai kẻ khác làm cho danh giá cao quí bị thấp đi mà chính mình cũng không hơn người bao nhiêu cả.

Đó đều là muốn mình được trọng mà không biết tự trọng lấy mình; cứ thế mãi mà bảo sao chúng ta không bị các tiền bối than trách chúng ta là người tự khinh tự huỷ.

Huống chi xung quanh mình cũng lắm kẻ có tài các đức trọng, được công chúng tôn sùng yêu chuộng. Họ cũng là người trong đám người, mà ta cũng là người trong đám người; nhưng bên khinh bên trọng, bên quí bên hèn, đó cũng bởi ở sự tự trọng phân chia. Nếu thế thật là đáng tâm quí mà thắng tâm lành thay!

Nếu biết rằng: các bực thánh hiền và quân tử toàn là người cả; vậy chúng ta cũng là người, tất nhiên chũng ta cũng sẽ làm được bực quân tử và lãnh được địa vị Thánh hiền, nếu chúng ta nhớ mình và tự trọng mình trong các trường hợp, không để cho những lời khinh chê miệt thị khiến mình càng thấp càng hèn.

Nhưng chính tự trọng không phải dối trá khoe khoang, tự cao tự đại, mà phải nhẫn nại, nhu hoà, thật thà và thấp thỏi trước mọi người, trước tất cả phận sự.

“Ý-nghiệp” không nghĩ qua những sự gì có thể dẫn dắt ra làm đều trái pháp; “khẩu nghiệp” bao giờ cũng giữ ôn tồn khiêm nhượng, một lời nói đã buông ra chẳng nói nhảm nhí thô tục, “thân nghiệp” cũng vậy, không làm đều gì trái qui luật, huỷ hoại nhơn cách phẩm giá, bất luận ở vào địa vị nào mà làm trọn bổn phận trong địa vị nầy, dầu lúc thì cường, lúc thì nhu, lúc thì im lặng, khi nói năng đều có vẻ đáng kính, đáng làm gương cho kẻ khác bắt chước. Ấy là biết tự trọng, mà mọi người cũng đều kính nể vậy.

Được như thế, dầu ở hoàn cảnh nghèo hèn, thiếu mặc, thiếu ăn, mà phẫm giá cao quí vẫn còn, thì được mọi người tôn trọng.

Nói tóm lại, biết tự trọng không chi bằng tránh khỏi sự hèn hạ của lợi danh, không kiêu mạn mà lại kính trọng mọi người, không dối trá mà thành thật làm tròn phận sự trong mỗi trường hợp. Nếu không đặng như thế, thì tất là người chỉ tự khinh mà thôi.


Trí Đức