Dừng lại và nghỉ ngơi là phép thực tập rất thực tiễn và cần thiết cho nếp sống của thời đại chúng ta. Nếu ta không có khả năng nghỉ ngơi là do ta chưa biết dừng lại. Ta đã chạy, đã ruổi rong không biết bao nhiêu kiếp rồi, bây giờ vẫn tiếp tục chạy và ta chạy ngay cả trong giấc ngủ. Nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy ở phía tương lai, do đó ta hy sinh hiện tại, nghiền nát hiện tại để chạy tìm hạnh phúc ở tương lai. Niềm tin và ý niệm đó đã ăn sâu trong tâm thức ta. Ta đã tiếp nhận hạt giống đó, tập khí đó từ tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Họ đã vật lộn, tranh đấu suốt cả cuộc đời của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác và tin rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được ở phía tương lai. Vì vậy lúc còn trai trẻ ta đã có tập khí bồn chồn, lo sợ và hối hả chạy về phía tương lai. Bụt nói rằng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tất cả những điều kiện hạnh phúc đều có thể tìm thấy ngay bây giờ và ở đây. Đây là giáo lý đặc thù của đạo Bụt, gọi là Hiện pháp lạc trú, tức là khả năng sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Nếu ta có khả năng dừng lại, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, ta sẽ thấy tất cả những điều kiện của hạnh phúc đều đang có mặt hiện thực ngay bây giờ và ở đây. Dừng lại được tâm rong ruổi, trôi lăn, tìm cầu thì sẽ thấy rằng ta có dư những điều kiện để hạnh phúc. Tuy rằng quanh ta có một vài điều không vừa ý, nhưng nhìn kỹ ta vẫn còn có quá nhiều điều kiện tích cực để tận hưởng, để hạnh phúc. Khi dạo chơi trong một khu công viên, ta thấy có một vài cây tàn úa, đang chết hoặc đã chết, ta cảm thấy tiếc nuối, buồn khổ cho những thân cây ấy và cho cả khu công viên, tâm ta lúc bấy giờ bị trấn ngự bởi sự tiếc nuối, buồn khổ nên không còn khả năng thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của cả khu công viên đang diễn bày mầu nhiệm quanh mình. Ta để cho vài thân cây tàn úa, chết khô kia làm tiêu tan tất cả vẻ đẹp của những cây khác đang có mặt. Nếu nhìn kỹ lại, ta thấy rằng khu công viên vẫn còn tươi mát, xinh đẹp và tráng lệ lắm, tại sao ta lại không thưởng thức sự có mặt của chúng một cách trọn vẹn.
Nhìn vào bốn lĩnh vực của thân thể, cảm thọ, tâm hành và nhận thức, ta biết rằng chúng chứa đựng tất cả các yếu tố tươi mát, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu. Ta hãy thực tập như thế nào để nuôi dưỡng và làm cho những yếu tố ấy luôn luôn có mặt cho ta. Không nên chỉ để ý tới những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh của cuộc sống trong ta và quanh ta mà thôi.
Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt tôi.
Đây là sự thực tập ý thức về mắt. Mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, để nhận diện, tiếp xúc, trân quý và nâng niu hai con mắt của mình. Khi tiếp xúc với hai mắt, mình tiếp xúc được với một trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc mà mình đang có. Ý thức được rằng hai mắt mình đang còn tốt, còn sáng, đó là một phép lạ, một món quà vô giá. Chỉ cần mở mắt ra là có thể thấy được trời xanh, mây trắng, người thương, thấy được thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày mầu nhiệm trước mặt. Thế nhưng có rất nhiều người không có khả năng thưởng thức cái thiên đường mầu nhiệm ấy; thiên đường ấy là một phần thuộc về cõi Tịnh Độ mà đạo Bụt hay nói tới. Sở dĩ mình không có khả năng sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây là vì mình đã để cho các tâm hành lo âu, giận hờn, tham đắm, ganh tỵ, tuyệt vọng xâm chiếm, giam hãm. Tịnh Độ hay Thiên Đường đang tuột khỏi tầm tay của mình. Trong khi đi dạo, mình có thể cầm tay con mình, cháu mình dạo chơi trong Tịnh Độ. Mình có thể giúp các con mình, cháu mình nhận diện, tiếp xúc với vẻ đẹp mầu nhiệm của đất trời, của thiên nhiên, của thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày trước mặt. Đi đâu để có thể kiếm được một hành tinh xanh mầu nhiệm như hành tinh của chúng ta? Các nhà khoa học đã tốn rất nhiều nhiều công sức, máy móc tinh vi và tiền của mà vẫn chưa kiếm ra được một hành tinh xinh đẹp và sống động như hành tinh của chúng ta.
Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.
Khi ta đem năng lượng chánh niệm để ôm lấy trái tim ta và mỉm cười với trái tim, ta sẽ thấy trái tim của ta còn hoạt động bình thường, đó là một phép lạ, là món quà vô giá. Những người bị bệnh tim, hạnh phúc lớn nhất của họ là mong có được một trái tim tốt, hoạt động bình thường. Có được một trái tim đang hoạt động bình thường là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Khi ta nâng niu trái tim với năng lượng chánh niệm, tình thương, thì trái tim của ta sẽ cảm thấy ấm áp trở lại. Bấy lâu nay ta đã không ngó ngàng đến trái tim của ta. Ta đã đối xử không dễ thương với trái tim của ta. Trong đời sống hàng ngày, ta quá bận rộn, chỉ để tâm suy nghĩ, lo toan về chuyện đâu đâu, chạy theo những cái ta tin là điều kiện tất yếu của hạnh phúc, trong khi đó ta không có thì giờ để có mặt cho trái tim ta. Ta làm tình làm tội trái tim ta bởi sự lo lắng quá mức, ăn uống, làm việc và ngủ nghỉ không chừng mực. Mỗi khi hít vào một hơi thuốc lá là ta đang làm khổ trái tim ta. Mỗi khi uống vào một ly rượu là ta đang làm một hành động không thân thiện, không có trách nhiệm, không có tình thương đối với trái tim ta. Ta biết rằng trái tim ta đã làm việc không ngừng nghỉ, đã làm suốt ngày suốt đêm để duy trì, bảo tồn mạng sống của ta, để bảo đảm sức khỏe cho toàn cơ thể. Nhưng ta lại thờ ơ, không quan tâm tới nó. Ta đã đối xử với trái tim ta một cách thật tệ bạc. Ta không chịu học cách bảo vệ những điều kiện hạnh phúc đang có trong ta. Đã đến lúc ta phải tỉnh dậy thôi, phải thắp lên ánh sáng chánh niệm để trở về nhận diện, trân quý và bảo tồn các điều kiện hạnh phúc đang có trong ta, trước hết là đối với thân thể.
Ta hãy tiếp tục thực tập như thế đối với các chi phần khác của cơ thể như gan, phổi, thận, lá lách, ruột v.v… Thực tập nâng niu lá gan của mình với niềm ưu ái và tình thương, đó là thiền tập. Thiền tập trước hết là tập dừng lại và nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại. Trở về ôm lấy, chăm sóc thân thể bằng năng lượng chánh niệm mà ta chế tác qua hơi thở ý thức. Khi mình gởi năng lượng chánh niệm đến các bộ phận của cơ thể thì năng lượng chánh niệm sẽ làm công việc nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những chi phần ấy của cơ thể với tình thương và sự trìu mến. Làm được như thế tức là ta đáp ứng đúng những gì mà cơ thể ta đang cần. Nếu có một chi phần nào đó trong cơ thể bị đau nhức thì ta cần có mặt lâu hơn để chăm sóc, mỉm cười ưu ái với chi phần ấy. Mỗi ngày ta nên thực tập bài tập này ít nhất là hai lần. Phép thực tập này gọi là Thiền Buông Thư. Thiền Buông Thư là phép thực tập trở về có mặt cho thân thể mình và bằng hơi thở ý thức, mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để soi chiếu vào toàn thân, làm cho toàn thân được buông thư, lắng dịu trở lại, rồi từ từ chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào từng chi phần của thân thể để hiểu được tình trạng sức khỏe của nó, chăm sóc và cho phép thân thể được nghỉ ngơi, được tự điều trị. Thiền Buông Thư không phải để ngủ. Nhưng nếu ngủ cũng tốt.
(Trích trong sách “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” của Sư Ông Làng Mai)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh