350 năm nối tiếp mạch nguồn tổ đức linh thiêng
Mùa hạ năm Ất Mùi – 2015, khi đến dự Hội nghị giảng sư của học viện, Thượng tọa tổng thư ký T.Ư Giáo hội Phật Giáo Việt Nam giao cho chúng con nhiệm vụ liên lạc với BTC Diễn đàn Quốc Tế Sùng Thánh – 2015 để chuẩn bị cho phái đoàn của học viện tham dự Diễn đàn.
Từ Hội nghị HĐTS T.Ư ở Tp.HCM, Thượng tọa tổng thư ký gọi điện về báo chốt danh sách thành viên phái đoàn để chính thức báo cho BTC Diễn đàn làm thiệp thỉnh.
Sau khi dự Hội nghị HĐTS T.Ư trở về, Hòa thượng Viện trưởng lại giao cho chúng con thêm một công việc lớn là xây dựng chương trình, liên lạc, bố trí sắp đặt để sau khi tham dự diễn đàn kết thúc, phái đoàn sẽ thực hiện chương trình tìm về tổ đình nơi Sơ tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam đã cầu đạo và đắc pháp.
Nhận nhiệm vụ của chư tôn đức, lòng chúng con thật vô cùng lo lắng không, biết rằng có thể hoàn thành được trọng trách như lòng mong đợi của chư tôn đức hay không? Chúng con cùng thị giả bắt đầu thu thập tư liệu trên mạng, qua tư liệu đã được công bố, gọi điện liên lạc, email tìm hiểu trong lòng lại thêm lo lắng, vì nguồn tư liệu cuối cùng có được không ngoài nội dung “núi Phượng Hoàng, Hồ Châu.”
Trước ngày lên đường, chúng con chỉ còn cách trình bày lên chư tôn thiền đức lộ trình tạm thời hoạch định là sau khi diễn đàn kết thúc sẽ từ Đại Lý - Vân Nam bay về Hàng Châu - Triết Giang. Từ Hàng Châu - Triết Giang sẽ thuê xe đi về núi Phượng Hoàng ở huyện An Kiết. Đến núi Phượng Hoàng nếu tìm được tổ đình nơi tổ cầu đạo thì chương trình sau đó sẽ tiếp tục đến chiêm bái tổ đình chính của tông Tào Động là tổ đình nơi ngài Động Sơn Lương Giới và tổ đình nơi ngài Tào Sơn Bản Tịch. Còn nếu sau khi đến núi Phượng Hoàng không tìm được tổ đình nơi tổ đến cầu đạo thì sẽ đi thẳng về Giang Tây nơi tổ đình gốc Động Sơn và Tào Sơn để hỏi và nhờ quý vị ở đó chỉ đường hoặc cung cấp thêm tư liệu rồi sẽ tính tiếp lộ trình.
Trình lên lộ trình như vậy, nhưng trong lòng vẫn vô cùng lo lắng vì đường xa diệu vợi, tư liệu lại không rõ ràng. Năm chữ “Hồ Châu, núi Phượng Hoàng” chẳng biết chắc thật rằng là Hồ Châu, núi Phượng Hoàng vùng đất nào trên đại lục Trung Quốc mênh mông, chỉ còn biết tâm thành ngày ngày khấn nguyện hồng ân chư tổ phổ chiếu dẫn đường cho đàn con cháu tìm được cội nguồn.
Sáng ngày 27/10/2015, sau khi làm xong thủ tục chuyến bay, lúc ngồi đợi lên máy bay, Thượng tọa Tiến Đạt từ trong tay nải lấy ra một bọc vải và nói rằng: “đây là quốc bảo trên 300 năm của tông phái Tào Động Việt Nam”, hôm nay chúng ta rước quốc bảo để đi tìm về chốn tổ. Sau đó, Thượng tọa giở sách và đọc nội dung cho chúng con nghe, trong lòng cảm thấy vô cùng sung sướng vì nghĩ rằng nhờ bút tích của chư tổ lưu truyền chúng con sẽ vững vàng trên con đường tìm về chốn tổ.
Tại diễn đàn Sùng Thánh, trong bài tham luận của mình, Hòa thượng viện trưởng đã công bố cho diễn đàn thấy được nội dung của “Nam Thiên Tào Động Đệ Nhất Tổ Sư Ngữ Lục” trên 300 năm vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn làm cho cả diễn đàn đều vô cùng ngạc nhiên và kính trọng với lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
Sáng ngày 30/10/2015 (18/9/Ất Mùi), phái đoàn đáp chuyến bay mang số hiệu MU-9721 của hãng hàng không Phương Đông, từ phi trường Đại Lý bay về Hàng Châu. Sau khi đến phi trường Hàng Châu, phái đoàn lập tức lên xe để về huyện An Kiết tìm đến núi Phượng Hoàng, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi xe về đến huyện An Kiết thì phái đoàn không tìm ra núi Phượng Hoàng ở đâu cả, chỉ còn cách dừng xe lại để hỏi người dân xung quanh, và về các chùa xung quanh vùng đất ấy. Đa phần người dân đều là những gia đình từ phương khác chuyển về đấy làm ăn, sinh sống nên hầu như không biết thông tin gì về núi Phượng Hoàng và các chùa quanh vùng.
Lần hỏi cuối cùng mới gặp được gia đình người dân cư trú lâu nhất tại địa phương là được họ chỉ cho rằng gần vùng đất này có hai ngôi chùa, một ngôi lâu đời và một ngôi mới xây dựng. Phái đoàn quyết định tiếp tục hỏi đường hướng về ngôi chùa xưa ấy, lần mò hỏi đường đến khi trời chạng vạng tối, phái đoàn mới đến được dưới chân núi của chùa, đúng vào dịp lễ vía Đức Quán Thế Âm nên người dân đi lễ chùa rất đông, chùa lại đang trùng tu con đường từ dưới núi lên, nên xe phải đỗ tận mãi bên ngoài chân núi. Phái đoàn bắt đầu hành trình leo núi, khi đến cổng tam quan mới biết rằng tên chùa là Linh Phong tự. Gần một tiếng đồng hồ leo núi, đường lên núi men theo dòng suối chảy trong veo, cảnh sắc nên thơ hữu tình, làm lòng người cũng vơi đi mệt nhọc khi bước vào chốn tổ thanh tịnh. Qua khỏi cổng tam quan, vào đến sân Đại Hùng Bảo Điện, phái đoàn được thầy trụ trì cất tiếng hỏi:
- “Quý pháp sư từ đâu đến?”
- “Chúng tôi từ Việt Nam đến.”
- “Thưa có phải ở Hà Nội không?”
- “Vâng. Chúng tôi ở Hà Nội.”
- “Thế có phải ở tổ đình Hồng Phúc không?”
- “Vâng. Chúng tôi từ Hồng Phúc đến.”
- “Ôi, mừng quá! Chúng tôi tìm quý thầy đã mấy năm rồi.”
Hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng, thầy trụ trì mời cả phái đoàn vào nhà khách thăm hỏi và trao đổi thông tin mới biết được đây là tổ đình Linh Phong ở núi Bắc Thiên Mục, huyện An Kiết, tỉnh Triết Giang – là đạo tràng của đệ cửu tổ Tịnh Độ, ngài Ngẫu Ích Trí Húc và Thượng tọa trụ trì là pháp sư Thích Từ Mãn. Mấy năm trước, Thượng tọa được Hiệp hội Phật Giáo Triết Giang giao cho trọng trách trùng tu tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự nơi tổ sư Thủy Nguyệt Thông Giác đến học đạo và đắc pháp, cũng chính là nơi mà phái đoàn cần tìm đến. Sau khi nhận nhiệm vụ trùng tu ngôi tổ đình ấy, Thượng tọa đã nhờ các Phật tử người Trung Quốc, người Singapore và thậm chí cả các giáo sư của trường Đại học Nhân Dân Bắc Kinh giúp Thượng tọa tìm tổ đình Hồng Phúc ở Hà Nội, Việt Nam, nhưng đã mấy năm rồi vẫn không có được nguồn tin tức gì.
Ba trăm năm mươi năm trước, năm Khang Hy thứ tư (1665), tổ sư Thủy Nguyệt đặt chân đến núi Phượng Hoàng cầu đạo và hôm nay cũng đúng vào tháng 10 sau 350 năm, con cháu của tổ tìm về chốn xưa, huynh đệ gặp nhau trong niềm pháp hỷ vô tận. Bên mâm cơm mà Thượng tọa trụ trì đã chuẩn bị để đãi khách lúc chiều, huynh đệ quây quần trao nhau tâm nguyện, chúng con mới biết Tổ đức linh thiêng đã dẫn dắt chúng con tìm về và gặp đúng pháp sư trụ trì. Pháp sư cho phái đoàn biết rằng, tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự nằm ở thành phố Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, cách chùa Linh Phong 100 km, mới chính là nơi mà sử sách ghi chép là “Hồ Châu, núi Phượng Hoàng”.
Nếu không phải Tổ đức dẫn đường thì làm sao chúng con lại đi về một ngôi tổ đình cách nơi cần tìm hàng trăm cây số để gặp đúng vị trụ trì đang trùng tu tổ đình của chốn tổ. Sau bữa cơm tối ấm áp và thấm tình đạo vị, Thượng tọa trụ trì cho biết truyền thống ở chùa lễ vía Quán Âm diễn ra suốt đêm, nên đã sắp đặt phái đoàn xuống núi vào nghỉ trong khách sạn ở thành phố. Sáng sớm hôm sau sẽ quay về chùa để ăn sáng, chiêm bái, tham quan tổ đình và sau đó sẽ cùng với Thượng tọa trụ trì về dự lễ ở chốn tổ phát nguồn của Tào Động Việt Nam. Tối hôm ấy, Thượng tọa trụ trì cũng đã bạch với phái đoàn, ngày mai nơi tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự ngoài lễ vía Phật Quán Âm còn có lễ thế phát xuất gia cho các đệ tử của Thượng tọa, nhưng mạng mạch pháp phái truyền thừa của tổ đình từ kháng chiến chống Nhật cho đến ngày nay đã bị đứt đoạn nên Thượng tọa thỉnh chư tôn đức trong phái đoàn Tào Động Việt Nam hoan hỷ cho Thượng tọa được mang pháp danh tiếp nối truyền thừa mạng mạch của tông phái để trong lễ xuất gia, Thượng tọa lại tiếp nối truyền đặt pháp danh cho các đệ tử.
Hôm sau, sau khi chiêm bái, đảnh lễ tháp tổ Ngẫu Ích Trí Húc và cúng dường ở tổ đình Linh Phong, phái đoàn đã cùng với Thượng tọa về tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự ở công viên núi Nhân Hoàng, thành phố Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, là nơi mà 350 năm trước, tổ sư Thủy Nguyệt đã từ Việt Nam đến học đạo và đắc pháp. Núi Phượng Hoàng ngày xưa, sau năm 1949 đã được nhà nước Trung Quốc đổi tên thành núi Nhân Hoàng, thế mới biết nếu không phải do Tổ đức sắp đặt và chỉ lối đưa đường mà chỉ dựa vào những nguồn tư liệu tìm được, chúng con làm sao có thể lần về được chốn tổ.
Trong buổi lễ diễn ra tại tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự, Thượng tọa trụ trì đã đưa phái đoàn tham quan công trình trùng tu lại tổ đình và trong buổi lễ ấy chư tôn đức đã truyền nối pháp danh đời thứ 51 mang chữ “Đức” cho Thượng tọa trụ trì để tiếp nối mạng mạch của Tào Động. Trong bài phát biểu của Thượng tọa Thọ Lạc, đại diện cho tông môn Tào Động Việt Nam, đã làm xúc động tất cả chư tăng và Phật tử tham dự buổi lễ. Dưới tấm biển “Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự”, “Việt Nam Tào Động tổ đình” phái đoàn đã chụp hình lưu niệm, dấu chân và dấu ấn lịch sử khi con cháu thấm nhuần Tổ đức hồng ân đã tìm về nơi chốn tổ cho mạng mạch được tiếp tục lưu truyền từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi Việt Nam về Trung Quốc, cho Thiền phái được xương minh, cho con cháu anh em tông môn huynh đệ sum họp một nẻo. Phái đoàn đã nhận những nắm đất thiêng liêng từ chốn tổ để đem về an trí và tôn thờ tại tổ đình Nhẫm Dương và Hồng Phúc ở Việt Nam.
Sau khi rời chốn tổ, phái đoàn lại tiếp tục chương trình chiêm bái Phổ Lợi Thiền tự, trước đây là Động Sơn tự, do pháp sư Cổ Đạo làm trụ trì, là tổ đình Động Sơn của tổ sư Lương Giới tại thôn Động Sơn, xã Động An, huyện Nghi Phong, thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây; và Tào Sơn Bảo Tích tự của ngài Bản Tịch, hiện do pháp sư Dưỡng Lập làm trụ trì tại huyện Nghi Hoàng, thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây; là hai tổ đình chính của tông Tào Động.
Hôm nay, chúng con đã tìm về được với chốn tổ, còn bao nhiêu công việc phải xây dựng, phát triển, truyền thừa và làm sống dậy được pháp môn tu tập của tông phái Tào Động Việt Nam để cùng với Tào Động Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…xây dựng trung tâm Tào Động quốc tế là tâm nguyện và công việc mà con cháu của tổ, những người kế thừa mạng mạch Tổ đức phải thực hiện từ hôm nay và tương lai.
Hội thảo về tông Tào Động Việt Nam là để chúng con thấy được những việc làm quan trọng cấp thiết là giữ gìn cho được các chốn tổ, lưu truyền được đạo mạch, bồi dưỡng xây dựng được nhân tài, phát huy tông phái, rạng rỡ tông môn và Phật Giáo Việt Nam ở hiện tại và tương lai.