Bệnh nghèo.......
Có thể nói chữ Nghèo thì thường đi đôi với hèn. Người đời thường nói “nghèo hèn” và bị người ta khinh khi. Cùng là công dân với đầy đủ quyền hạn ghi trong hiến pháp nhưng tiếng nói của người nghèo như tiếng kêu trong sa mạc, chẳng ai buồn nghe, trong khi tiếng nói của tài phiệt thì “có gang có thép”, bởi vì “Tay mang túi bạc kè kè. Nói khuếch nói khoác người nghe ầm ầm”.
Chữ nghèo đã có từ ngàn xưa chứ không phải đời nay mới có. Cái nghèo đã gây ra biết bao thảm cảnh xã hội nhưng nó cũng là nguồn cảm hứng cho bao “ca khúc đoạn trường” mà Hồ Biểu Chánh đã mô phỏng theo với “Ngọn Cỏ Gió Đùa”… rồi “Gánh Hàng Hoa” của Nhất Linh đã làm cho chúng ta rơi lệ. Mở lại kho âm nhạc của Miền Nam trước 1975, biết bao nhiêu ca khúc khóc than cái nghèo còn được lưu truyền và hát đi hát lại cho tới ngày hôm nay, trong nước cũng như hải ngoại, chẳng hạn như: “Kiếp Nghèo” của Lam Phương với những lời than van:
“Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung”
Và lòng chỉ thầm mong:
“và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài”
Rồi Phạm Đình Chương với “Xóm Đêm”:
“Đường về canh thâu”
“Đêm khuya ngõ sâu như không màu”
“Qua phên vênh có bao mái đầu”
“Hắt hiu vàng ánh điện câu”
Và “Phố Buồn” của Phạm Duy với hình ảnh thê thảm:
“Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen.”
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem cái nghèo từ đâu tới.
- Nghèo là do ông trời, thượng đế khiến thế
Những người tin theo Thuyết Định Mệnh hoặc tín đồ của Thần giáo tin tưởng rằng giàu, nghèo là do trời đất, Thượng Đế an bài. Nếu đã do Thần Linh Tối Thượng an bài rồi thì không thể cải sửa được. Điều đó có nghĩa là hễ nghèo thì nghèo suốt đời, đời con, đời cháu vẫn cứ tiếp tục nghèo không sao ngóc đầu lên được. Lý thuyết và niềm tin này không đúng bởi vì có khá nhiều người nghèo, do nỗ lực bản thân, do may mắn, do đổi thay của xã hội mà trở nên giàu có. Cũng có khá nhiều người đang giàu có, do ăn chơi phung phí, gia đình đổ vỡ, do đam mê rượu, gái, cờ bạc, xì-ke ma túy, quản trị tài chính kém cỏi hoặc do thời thế đổi thay mà trở nên nghèo. Lý thuyết và niềm tin dựa vào Thần Quyền để giải thích nguyên do của cái nghèo, ngoài sự phỏng đoán rất vu vơ lại còn nguy hiểm ở chỗ – vì không thể cải sửa được cái nghèo cũng như thân phận cho nên chỉ còn cách cầu nguyện, van vái và đôi khi “mặc kệ người nghèo” bởi vì “số kiếp” của nó như thế thì mặc nó như thế.

Ảnh minh họa- Nghèo bẩm sinh, nghèo tự nhiên
Khi ông bà nghèo thì cha mẹ nghèo. Cha mẹ nghèo thì con cái nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu “Con vua thì lại làm vua. Con sãi chùa lại quét lá đa”. Chắc chắn con của một ông đạp xích-lô, hoặc con của một cô gái đang ở đợ, gánh nước mướn chui rúc ở những khu bùn lầy nước đọng, nghĩa trang, hè phố… là phải nghèo rồi mà nghèo từ trong bụng mẹ lận. Những em bé này có thể không bao giờ được cắp sách đến trường vì còn phải phụ với cha mẹ kiếm miếng cơm manh áo, chân thì đi đất, mặt mày lem luốc, thèm khát từng món đồ chơi, cái kẹo và có khi không có bạn để chơi vì nghèo quá “ai chơi với mình”? Chính vì sợ hãi cái nghèo mà người đời đua nhau làm giàu, trước hết để ngoi lên, sau cho con cháu sau này đỡ khổ.
Nghèo không phải hoàn toàn tại số mà do thuở nhỏ chỉ mê “chơi games”, biếng học, lớn tí nữa thì tụm năm túm ba tán dóc, tập tành hút thuốc lá, uống rượu, phá làng phá xóm, không chịu làm ăn, ngại khó ngại khổ… cho nên nghèo là cái chắc. Trong một gia đình, anh chị em giàu có, học hành nên người mà mình thì nghèo “rớt mùng tơi” đâu phải cha mẹ muốn thế mà chỉ vì cái bệnh lười biếng mà ra. Ngoài ra, thế giới ngày hôm nay đang ở vào kỷ nguyên Toàn Cầu Hóa, chủ nhân các đại công ty được tự do thuê mướn nhân công ngoại quốc. Trong lãnh vực điện tử, cách đây vài năm, các công ty lớn của Hoa Kỳ đã thuê một lúc cả chục ngàn kỹ sư điện tử Ấn Độ. Lý do: Giá rẻ và người Ấn Độ rất giỏi về lãnh vực Programmer (viết các software) khiến các kỹ sư trẻ Mỹ mới ra trường không sao kiếm được việc làm. Vậy thì: Toàn cầu hóa có nghĩa là tự do cạnh tranh và cạnh tranh khốc liệt. Nếu công nhân trong nước – kể cả kỹ sư – nếu không tiếp tục trau giồi kỹ năng – đến một lúc nào đó kiến thức (tay nghề) tụt hậu, các công ty, vì lý do cạnh tranh, phải mướn nhân công giỏi từ ngoại quốc… thì công nhân trong nước thất nghiệp. Khi đã thất nghiệp, xin việc mà không ai mướn, lúc đó nghèo đói chỉ trong gang tấc. Xin nhớ cho thế giới ngày hôm nay đầy rủi ro, bất trắc chứ không “êm đềm phẳng lặng” như những thập niên trước. Giàu nghèo biến nhanh như “giấc mộng kê vàng”.
- Nghèo vì chủ nhân bóc lột
Ngày nay, chủ nghĩa thực dân không còn, nhưng tệ nạn bóc lột công nhân vẫn chình ình ra đó, và ở khắp mọi nơi trên thế giới. Với đồng lương gọi là “đồng lương chết đói” thì vợ con nheo nhóc, giật gấu vá vai, nghèo đói là chuyện đương nhiên.
- Nghèo là vì lạm phát, vật giá gia tăng
Khi vật giá leo thang tức lạm phát thì nông dân, chủ nhân các hãng xưởng, xí nghiệp, người cung cấp dịch vụ như taxi, hớt tóc, nhà hàng, siêu thị, luật sư, bác sĩ, bảo hiểm v.v… còn có thể tăng giá thành sản phẩm hoặc tăng giá bán đề bù lại – nhưng người quân nhân, công nhân các hãng tư, viên chức chính phủ lấy gì để tăng đây? Họ chỉ còn cách kêu nài tăng lương mà vũ khí duy nhất là đình công. Ở các nước khác thì tôi không rõ, tại Hoa Kỳ, ngoại trừ quân đội thì không được phép đình công, chống đối hay nói xấu chính phủ, còn từ nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, giáo chức, công nhân hỏa xa, phi trường, ngân hàng – nghĩa là tất cả mọi nghành – đều được phép và được quyền biểu tình, đình công đòi tăng lương. Xin nhớ cho, lạm phát tức vật giá leo thang là một trong những yếu tố tệ hại gây bất ổn xã hội và làm cho hằng triệu công nhân, viên chức bỗng trở nên nghèo khó trong chớp nhoáng. Để bảo đảm đời sống cho công nhân viên chức, nhiều quốc gia có qui định xét tăng lương định kỳ, nhưng tỷ lệ tăng đó không thấm vào đâu so với đà gia tăng rất tự nhiên
- Nghèo là vì đất nước không tạo đủ công ăn việc làm
Các quốc gia chậm phát triển vừa ra khỏi thời kỳ nô lệ, chiến tranh hoặc theo chính sách bế quan tỏa cảng đều không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân. Khi khu vực kỹ nghệ, dịch vụ và nông nghiệp không thu hút lực hết lượng lao động thì số dư thừa biết làm gì đây? Họ đành cam lòng làm các công việc như lau chùi, quét dọn, khuân vác, đạp xích-lô, ở đợ, buôn gánh bán bưng, mò cua bắt ốc, bươi móc các đống rác… Tóm lại đều là những nghề “nghèo hèn” không bảo hiểm sức khỏe, không tương lai, không gì hết… để sống qua ngày. Hình ảnh rõ nét nhất của một xã hội nghèo khổ là: trẻ em lang thang ngoài đường phố trong giờ học, thanh niên thiếu nữ tụm năm túm ba ở quán cà-phê tán dóc hay chờ đợi mánh mung, ăn mày đầy các quán ăn, ông già đạp xích-lô, phụ nữ gánh gồng, đàn ông sửa “bút bi”, cụ già gần 80 tuổi ngồi vá xe đạp v.v… Dĩ nhiên những hình ảnh này làm chúng ta đau lòng và chắc chắn không được thiện cảm của thế giới.
- Nghèo vì bất công xã hội
Khi một chính quyền ưu đãi và dành độc quyền khai thác tài nguyên quốc gia, hoặc làm chủ các công ty huyết mạch của nền kinh tế cho một thành phần nào đó thì công nhân bị bóc lột, điều kiện lao động tồi tệ và đất nước không tiến lên được vì không có cạnh tranh, tự tung tự tác mà không ai dám kiểm soát.
Hậu quả của cái nghèo
Cái nghèo đưa đến những hậu quả vô cùng tệ hại. Chúng ta tạm liệt kê một số như sau:
- Bần cùng sinh đạo tặc. Không dám vơ đũa cả nắm bởi vì một số người dù nghèo, nhưng do thấm nhuần đạo lý, nề nếp gia đình, vẫn giữ gìn phẩm hạnh, nép mình trước cảnh phồn vinh của xã hội trong tinh thần “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Thế nhưng tuyệt đại đa số thì không vậy. Vì nghèo nên sống chui rúc, thiếu vệ sinh từ đó đẻ ra bệnh tật. Vì thiếu dinh dưỡng nên thân thể gầy còm, nhỏ thó, tính tình cau có, ăn nói thô lỗ tục tằn, dễ nóng giận. Vì nghèo nên thường hay gây gổ, cãi lộn, mắng chửi nhau sinh ra bạo hành, ly dị. Nếu nghèo biến thành đói thì không chuyện gì không dám làm… từ cắp vặt, gian dối, lừa đảo, buôn gian bán lận…cho đến cướp của giết người chỉ trong gang tấc. Cái tệ hại hơn nữa là từ nghèo mà thành túng. Từ túng thiếu sinh ra trộm cắp và nhất là phá hại của công. Tất cả các hành vi phá rừng, phá núi, xâm phạm các nơi bảo tồn sinh thái, săn bắt trái phép thú hiếm quý, vào chùa ăn trộm chuông đồng, tượng Phật… đều xuất phát từ căn bệnh nghèo đói mà ra.
- Cái nguy hiểm nhất của bệnh nghèo là con cái thất học hay bỏ học. Vì thất học cho nên không công ăn việc làm từ đó các em trở thành miếng mồi ngon cho các băng đảng và các trùm buôn lậu ma túy.
- Nghèo quá không nuôi nổi cha mẹ già, đành cam tội bất hiếu. Nghèo quá khiến bán con hoặc đem con bỏ chợ, bỏ chùa hay quăng vào đống rác khiến gây cảnh thương tâm và tạo thêm gáng nặng cho xã hội.
- Nghèo quá bỏ làng, bỏ xứ ra đi, lang thang khắp thành phố để kiếm sống, gây khó khăn cho vấn đề gia cư, y tế và đời sống xã hội và tạo nên một hình ảnh rất xấu cho đi
- Nghèo thì thường đi đôi với hèn. Người đời thường nói “nghèo hèn” và bị người ta khinh khi. Cùng là công dân với đầy đủ quyền hạn ghi trong hiến pháp nhưng tiếng nói của người nghèo như tiếng kêu trong sa mạc, chẳng ai buồn nghe, trong khi tiếng nói của tài phiệt thì “có gang có thép”, bởi vì “Tay mang túi bạc kè kè. Nói khuếch nói khoác người nghe ầm ầm”. Khi đất nước có chiến tranh, thường con nhà giàu, hoặc có thế lực, trốn quân dịch bằng cách du học để con nhà nghèo chết thế trên chiến trường… từ đó gây bất công rồi bất mãn rồi đi tới bạo loạn.
Làm thế nào để chữa bệnh Nghèo?
Chúng ta không phải là chính quyền cho nên chúng ta không bàn tới những kế hoạch có tầm vóc quốc gia để phát triển kỹ nghệ, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí, tìm kiếm thêm thị trường quốc tế để tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Chúng ta cũng không bàn tới những chương trình xã hội nhằm trợ cấp cho những gia đình nghèo khó, đồng bào sắc tộc, những cụ già neo đơn, cô quả cô độc… mà chúng ta nói tới nghĩa vụ của người Phật tử làm thế nào để góp phần vào việc chữa trị căn bệnh nghèo khó.
Là người con Phật, chúng ta hiểu rằng chư Phật và chư vị Bồ Tát thị hiện ở đời là nhằm cứu độ chúng sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy rất rõ, “Hằng thuận lợi ích chúng sinh là cúng dường chư Phật.” Do đó, song song với việc tu học, chúng ta phải đặt công việc cứu độ chúng sinh, tức công tác thiện nguyện lên hàng đầu. Mà chúng ta phải làm công việc đó trong tinh thần hoan hỉ, khiêm tốn, bất thối chuyển. Chất liệu nuôi dưỡng tinh thần đó chính là Hạnh Nguyện Từ Bi. Trong nước thì tôi không rõ, tại hải ngoại, trong các dịp lễ lớn hoặc đại hội của Phật Giáo, sau nghi thức chào cờ thường có giây phút rất linh thiêng gọi là “Phút Nhập Từ Bi Quán”. Vì không phải là ban tổ chức và cũng không quen biết nhiều với quý thầy cho nên tôi không rõ trong “Phút Nhập Từ Bi Quán” này quý thầy, quý ni, quý phật tử làm gì? Phải chăng đây là “Phút mặc niệm” của thế tục? Hay giây phút im lặng, đình chỉ mọi suy nghĩ “Chỉ quán”? Hay giây phút “Thiền Định”? Theo giáo lý của nhà Phật, Từ Bi Quán phát xuất từ Ngũ Đình Tâm Quán mà “Quán” tức là suy nghĩ cẩn thận, thông suốt, hiểu rõ. Vậy thì “Phút Nhập Từ Bi Quán” không phải là giây phút để cầu nguyện hay hướng về Phật, mà qua qua lời giáo huấn của Chư Phật, chúng ta hướng về, nghĩ tới muôn loài chúng sinh – tức những người khác ta – bằng tâm lượng từ bi. Theo nghĩa này, nếu chúng ta dùng tâm từ bi mà quán xét thì:
- Khi chúng ta no, chúng ta nhớ nghĩ tới người đói.
- Khi chúng ta ấm, chúng ta nhớ nghĩ tới người đang giá lạnh.
- Khi chúng ta mặc quần nọ áo kia, chúng ta nhớ nghĩ tới người túng thiếu.
- Khi chúng ta giàu, chúng ta nhớ nghĩ tới người nghèo.
- Khi chúng ta đang ở nơi chốn bình yên, chúng ta nhớ nghĩ tới bao chiến sĩ đang xả thân nơi biên ải, nơi hải đảo xa xôi.
- Khi chúng ta có quyền thế, chúng ta nhớ nghĩ tới bao dân lành vì có họ ta mới có ngôi vị ngày hôm nay như Vua Lý Thánh Tông lúc nào cũng thương dân như con cái của mình.
- Khi chúng ta được học hành, chúng ta nhớ nghĩ tới người không may mắn được cắp sách đến trường.
- Khi chúng ta được khai mở trí tuệ, chúng ta nhớ nghĩ tới người không được biết tới những tư tưởng và giáo lý cao thượng.
- Khi chúng ta vui vầy cùng con cháu, chúng ta nhớ nghĩ tới những trẻ em côi cút.
Bằng sự quán chiếu đó, bằng tâm lượng đó, bằng tinh thần đó, chúng ta đến với người nghèo khó. Chắc chắn chúng ta không thể chuyển đổi ngay được cái nghèo, nhưng chúng ta an ủi, chia xẻ, cảm thông với họ. Qua công tác thiện nguyện, chúng ta làm cho người nghèo ấm lòng, không cảm thấy cô đơn hay mặc cảm để rồi từ đó họ vững tin, cố gắng vươn lên trong tinh thần đạo đức và trọng pháp. Ngày xưa ông Châu Trí nghèo quá, đêm tối phải đốt lá đa lên để học, Phạm Ngũ Lão phải làm nghề đan sọt, Chử Đồng Tử không có cả cái khố mà mặc… đều nên người và trở thành những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử. Vậy thì chúng ta không bao giờ có ý nghĩ khinh thị người nghèo khó, và đừng nghĩ rằng họ không bao giờ “ngóc đầu” lên được. Hãy đến với họ và giúp họ một cơ hội.
Ngoài ra, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta có thể dửng dưng trước sự nghèo đói của người khác. Theo giáo lý Hoa Nghiêm của nhà Phật thì trong vũ trụ này, không có vật gì có thể đứng một mình mà vạn hữu liên quan mật thiết với nhau, “tất cả là một và một là tất cả”. Trong từng sát-na cái giàu đang từng giây từng phút tác động vào xã hội và cái nghèo cũng đang từng giây từng phút ảnh hưởng tới văn hóa, chính trị và xã hội. Khi số lượng nghèo trở nên nhiều quá thì xã hội lâm nguy. Vậy thì giúp đỡ người nghèo khó ngoài việc xiển dương Tâm Đại Bi của nhà Phật, chúng ta còn góp phần bảo vệ sự ổn định của xã hội và cuộc sống của chính chúng ta.
Vậy thì bạn ơi!
- Hãy đến với người nghèo khó bằng hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát, bằng lòng nhân đạo, bằng tâm Từ Bi, bằng hạnh nguyện cứu khổ của Mẹ Hiền Quán Thế Âm và bằng tình huynh đệ, nghĩa đồng bào.
- Những quán cơm xã hội, quán cơm từ thiện, quán cơm thiện tâm, quán cơm lao động, quán cơm tình nghĩa, những cửa chùa rộng mở để tặng “sĩ tử” những bữa cơm chay trong mùa thi tuyển vào đại học, những học bổng, những buổi khám bệnh miễn phí, những buổi phát quà cho đồng bào ở Kampuchia, cho các em ở buôn làng xa xôi… đều là sự thể hiện tấm lòng cao cả nói trên.
- Thế nhưng chúng ta vẫn cần có thêm những “tấm lòng vàng” khác, những ông tỷ phú Cấp Cô Độc sẵn lòng cùng quý ni, sư dấn thân vào lãnh vực khó khăn này. Là người con Phật chúng ta làm trước, hy sinh trước, chứ không chờ đợi hoặc phê phán người khác. Rõ ràng, bằng trí tuệ, bằng nỗ lực của chính con người chứ không dựa vào Thần Linh, chúng ta góp phần chuyển hóa nghiệp lực để cùng nhau kiến tạo một đất nước tuy chưa giàu lắm nhưng đẹp và có tình người.
(Nghèo quá không đủ tiền mở một compteur điện riêng mà phải “câu điện” từ hàng xóm. Vì nhiều người cùng “câu” một lúc cho nên điện yếu, ánh đèn trở nên vàng vọt, hiu hắt....)
TH