Nhà tu hành yêu nước và cách mạng
Ngày 21-4-1966, Lễ tang Hòa thượng Bình Lương tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp đến đặt vòng hoa viếng của Bác Hồ. Vòng hoa viếng của Bác thêu dòng chữ: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước. Đồng chí Hồ Chí Minh"...
Ngày 21-4-1966, Lễ tang Hòa thượng Bình Lương tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp đến đặt vòng hoa viếng của Bác Hồ. Vòng hoa viếng của Bác thêu dòng chữ: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước. Đồng chí Hồ Chí Minh “.
Bức thư sau 45 năm mới được đánh thức
Đại học Vinh sầm uất giữa 3 phía phố phường, mấy lần tìm hỏi tôi mới đến đúng nhà ông Phạm Đậu (sinh năm 1945), dạy môn Lịch sử Đảng tại Đại học Vinh, nghỉ hưu năm 2008. Theo ông Đậu, tôi là người đầu tiên được ông cho xem bản gốc, được bấm ảnh 3 trang thư “gia bảo” bằng giấy pơ-luya đã ngả màu. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941/19-5-2011) ông chủ động “đánh thức” bức thư đặc biệt. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ xin dẫn phần nói về cuộc đời của vị Hòa thượng này:
Kính gửi: Ông Phạm Đậu, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.Hà Nội ngày 22.4.1966
Bộ Nội vụ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Phật giáo Việt Nam; Hội Việt kiều vô cùng thương tiếc báo tin:
Ông Phạm Ngọc Đạt tức “Hòa thượng Bình Lương “ là một nhà Cách mạng yêu nước nổi tiếng của nước ta đã từ trần hồi 5giờ 45 phút ngày 20-4-1966 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, hưởng thọ 96 tuổi.
Ông sinh ra ở thôn An Nghĩa, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong một gia đình cha mẹ là nông dân. Ông sớm có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược, tham gia phong trào khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Phan Đình Phùng thất bại, ông phải lánh nạn sang Thái Lan để tiếp tục hoạt động với phong trào “Đông du “ của Phan Bội Châu. Sau đó ông lại liên kết với phong trào của Đặng Thúc Hứa, các phong trào này đều nhằm mục đích là chống thực dân Pháp xâm lược nhằm giải phóng dân tộc. Nhưng các tổ chức này không giành được thắng lợi. Năm 1926 ông biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người có chí hướng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới. Vì vậy ông đã tìm cách liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1929 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Thái Lan, ở đây ông được giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp Việt kiều ở Thái Lan thành một tổ chức và đỡ đầu tờ báo “Thân Ái “ nhằm tập hợp những người yêu nước. “Chùa Từ Tế tự “ thực sự là nơi nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động, như: Bác Hồ, Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan…
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục ở lại Thái Lan. Tháng 3-1964 ông xin ý kiến Bác Hồ và Bác Hồ đã đồng ý để ông về nước sau gần 60 năm xa Tổ quốc. Ông về nước với nguyện vọng muốn được nhìn thấy miền Bắc XHCN, được gặp lại bạn bè đồng chí và về thăm gia đình. Nhưng vì tuổi già sức yếu, nguyện vọng của ông chưa thực hiện được.
Được tin Hòa thượng từ trần, Bộ báo cáo ngay lên Bác Hồ và lên Chính phủ, đồng thời đưa tin đến các cơ quan hữu quan như Hội Phật giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo chí, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam v.v.. đưa tin và giới thiệu chương trình tổ chức Lễ an táng Hòa thượng.
Bác Hồ đã gửi một vòng hoa lớn, đẹp, có dòng chữ thêu trên băng sa-tanh: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước “ với dòng chữ quý giá vô cùng là: “Đồng chí Hồ Chí Minh “.
Có Ban tổ chức Lễ an táng gồm đại biểu của Ban Việt kiều Trung ương, MTTQ Trung ương, Hội Phật giáo Trung ương v.v..
Sáng 20-4, Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo miền Bắc; Hòa thượng Thích Thái Hòa, Hội trưởng Hội Phật giáo Hà Nội; Hòa thượng Trần Văn Dung và Đuốc Tuệ cùng các vị đại diện Bộ Nội vụ, MTTQ Trung ương… đến Bệnh viện Việt-Xô làm Lễ nhận và đưa di hài Hòa thượng về chùa Quán Sứ.
Đêm 20-4, các vị Hòa thượng nói trên, các vị sư và tăng ni, tín đồ làm Lễ khâm liệm và nhập quan. Thi thể Hòa thượng được liệm vải vàng và phủ áo cà sa bên ngoài. Các nhà sư thay nhau gõ mõ cầu kinh suốt đêm. Trong hoàn cảnh có chiến sự, đi lại khó khăn, nhưng Ban tổ chức tang lễ đã sắm một quan tài làm bằng gỗ vàng tâm loại 1 chạm trổ sẵn sàng.
Sáng 21-4 Bác Hồ gửi vòng hoa của Người đến chùa Quán Sứ kính viếng hương hồn Hòa thượng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến chùa Quán Sứ trực tiếp đặt vòng hoa và mặc niệm trước quan tài Hòa thượng. Ngoài ra, còn có các vị khách cao cấp trong Chính phủ, trong MTTQ Trung ương, các vị đại diện các tôn giáo cũng đến đặt vòng hoa và mặc niệm trước quan tài Hòa thượng như… và đông đảo cán bộ và bà con Việt kiều Thái Lan…
Vụ trưởng Vụ An toàn xã hội
Hồ Văn Ninh
(ký tên, đóng dấu)
Người lính của Phan Đình Phùng, đồng chí của Bác Hồ
Nửa sau thế kỷ XIX tại thôn An Nghĩa, xã Hữu Bằng (về sau là Sơn Bằng), vợ chồng cụ Phạm Dục - Đào Thị Thậm sinh hạ 3 người con là Phạm Quán, Phạm Đảng, Phạm Ngọc Đạt (sinh năm 1882). Năm 1884 bà Đào Thị Thậm mất, bấy giờ Phạm Ngọc Đạt mới 2 tuổi. Về sau cụ Dục tục huyền với bà Hồ Thị Thụy và sinh hạ người con thứ tư là Phạm Lục.
Lớn lên anh Đậu được nghe các vị cao niên kể rằng: Năm 1892 ông Phạm Ngọc Đạt 10 tuổi, bố và hai anh đã biền biệt tham gia quân khởi nghĩa, ở quê bé Đạt đơn độc trong cảnh dì ghẻ con chồng. Dù gắng gồng mình chịu đựng, song bé Đạt vẫn không đứng vững trước đòn roi và chuỗi ngày bị gì ghẻ bỏ đói, cậu đi theo nghĩa quân Phan Đình Phùng để tìm đường sống. Năm 1895 thủ lĩnh Phan Đình Phùng hy sinh, năm sau khởi nghĩa thất bại. Để tránh cuộc tắm máu của giặc Pháp và tay sai diễn ra nhiều năm tiếp đó, các chiến sĩ khởi nghĩa phải ẩn giữa đại ngàn để tiếp tục tìm cơ hội cứu nước cứu dân. Những năm đầu thế kỷ XX, anh Đạt cùng một số chiến sĩ khởi nghĩa trà trộn vào dòng người đói khổ vượt sang Lào rồi sang Xiêm (Thái Lan). Tại Xiêm, anh tiếp tục hoạt động trong phong trào Đông du của Phan Bội Châu, liên kết với phong trào của Đặng Thúc Hứa. Sau khi các phong trào này thất bại, anh tìm cách liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 6-1928 Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan, Người tin tưởng giao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Đạt (lúc này đã là Sư Ba) tập hợp Việt kiều ở Xiêm thành một tổ chức, đỡ đầu tờ báo “Thân Ái” tập hợp những người yêu nước...Năm 1885 Phan Đình Phùng dấy cờ khởi nghĩa, cụ Dục tham gia khởi nghĩa từ những ngày đầu, tiếp đến Phạm Quán, Phạm Đảng noi gương thân phụ gia nhập nghĩa quân, không lâu sau cả hai người lần lượt hy sinh dưới cờ đại nghĩa. Người anh hy sinh không có kế tự. May mắn hơn anh, người em Phạm Đảng trước khi hy sinh đã có con nối dõi: Phạm Bá Minh. Ông Minh sinh ông Phạm Đậu là cháu đích tôn của Phạm Đảng, là quyền Trưởng tộc họ Phạm tại xã Sơn Bằng, được Hội đồng quản tộc giao cất giữ “bức thư đặc biệt” nói trên.
Gặp chiến sĩ tình nguyện được Sư Ba cưu mang
Cụ Đào Văn Phẩm sinh năm 1922, nhà số 70, đường Lê Huân, thành phố Vinh, chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại Lào năm 1946 bồi hồi nhớ lại:
Trong trận chiến ác liệt với quân Pháp tại Nam Lào, tôi bị thương rất nặng, bộ đội ta vượt sông Mê Kông đưa các thương binh qua đất Thái, vào chùa Từ Tế tại Băng Cốc (tiếng Thái là Wat Lokanuckor). Các thương binh được cụ Sư Ba người Việt che chở, chăm sóc chữa trị nhiều tháng liền. Khi biết tôi quê xã Hữu Bằng (nay là Sơn Bằng), cụ Sư Ba thổ lộ: Thuở ấy những người yêu nước trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội gợi ý cho Sư Ba dựng một ngôi chùa theo kiến trúc Việt Nam, để người Việt nhìn chùa là nhớ về Tổ quốc. Lúc đầu Sư Ba vận động Việt kiều quyên góp đủ làm ngôi chùa gỗ nho nhỏ, số tiền ít ỏi còn lại sư dành lập bờ rào, bao lấy toàn bộ khuôn viên nhà chùa. Đến khi Băng Cốc phát triển, đất đai khan hiếm, sư lấy ngắn nuôi dài chia khuôn viên thành từng lô nhỏ cho người Hoa thuê dựng nhà buôn bán làm ăn. Đến hạn trả nhiều người phải gán nhà cho chùa, Sư Ba dùng tiền ấy tái dựng chùa khang trang, và tiếp tục vận động Việt kiều quyên góp tiền, vàng gửi về nước ủng hộ kháng chiến. Sư được Việt kiều và người Thái ái mộ, được nhà Vua Thái đời thứ 7 và thứ 9 phong sắc 2 lần vào các năm 1937, 1948. Đó là sự khẳng định đóng góp của vị sư người Việt với Phật pháp tại Thái Lan.
Sinh ra lớn lên khi nước nhà bị nô lệ lầm than, từ chiến sĩ của phong trào Cần Vương, ông Phạm Ngọc Đạt đã đến với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Hơn 60 năm hoạt động xa Tổ quốc trong màu áo cà sa, chân dung nhà tu hành yêu nước và cách mạng nổi tiếng vẫn chưa một lần hiện ra giữa cuộc đời. Đã 45 năm Hòa thượng Bình Lương viên tịch (di cốt của Hòa thượng, sau đó là di cốt của Hòa thượng Thích Trí Độ được đặt trang trọng trong một ngọn tháp tại chùa Hoàng Ân, Quảng Bá, Hà Nội), từ bấy đến nay các thế hệ con cháu nội tộc họ Phạm, cư dân xã Sơn Bằng, cư dân huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh nói chung vẫn đang rất “lờ mờ” về chân dung của cụ Phạm Ngọc Đạt. Ngày ấy do hoàn cảnh lịch sử nên chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra hướng dẫn gia đình, họ tộc lập hồ sơ để trình Chủ tịch nước xem xét công lao của cụ Sư Ba. Uống nước nhớ nguồn, việc truy tặng phần thưởng cao quý đối với một người đã từng cưu mang Bác Hồ và nhiều nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam trong thời gian trên đất Xiêm, là một việc cần làm không bao giờ muộn.
Giao Hưởng