Vẻ đẹp người xuất gia
Đó là câu chuyện của vô lượng Đức Phật của chư vị Thánh Tăng của sơ tổ Kiều Đàm Di của chư vị tổ Ni tiền bối và của tất cả những ai là “con Gái Đức Phật” hướng về cội nguồn thiêng liêng của mình. Hình ảnh giáo đoàn “đầu trần, chân đất”, khoác trên người tấm hoàng y, khiến cho những người xuất gia trở nên uy nghiêm và thoát tục của sống phạm hạnh, bằng hương thơm của giới, định, tuệ. Hương thơm đó không ngừng lan tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác và không ngăn sông vượt đò đến với nhiều vùng miền lãnh thổ khác nhau.
Ni đoàn ngày một phát triển trên nhiều quốc gia, ở Việt Nam hình ảnh người nữ tu sĩ với màu áo lam hiền thật nhẹ nhàng thanh thoát khiêm cung khoan thai, họ từ bỏ tất cả phía sau danh vọng, sự nghiệp, gia đình để đi theo tiếng gọi của chân lý, ông cha ta thường có câu: “cái răng cái tóc là góc con người” nhưng ví lý tưởng cao đẹp họ đã phăng bỏ đi mái tóc xanh, cạo bỏ đi sự phiền não ràng buộc.Ta có thể hình dung, nếu người đời cần một mái tóc hay bộ đồ thật đẹp, thì người tu sĩ lại cạo bỏ những nét đẹp ấy, nét đẹp của quyến rũ, của tình ái si mê, của sự dính mắc chấp trước khoác lên mình chiếc áo màu giải thoát. Chiếc áo đó không phải là chiếc áo gấm thêu hoa mà là chiếc áo vàng thanh tịnh thoát trần là màu lam của khói hương và màu nâu của đất, màu của tha thứ, bao dung, kiên trì, nhẫn nại và sinh trưởng bao nhiêu công đức.
Đó chính là nét đẹp bất tận, vĩnh hằng, không gì có thể so sánh được, quyện tỏa trong màu áo lam hiền cộng hưởng hết được những công hạnh của Ni chúng. Lẽ tất nhiên chiếc áo không làm nên được người tu nhưng khi đã rời xa thế tục, bước trên con đường ngược với dòng đời ta mới thấy màu áo đấy thật khác xa vưới thế nhân màu áo của thiểu dục tri túc với cuộc sống đạm bạc và trầm tĩnh, màu áo ấy như quyện tỏa và thấu hiểu lẽ duyên sinh, bất tịnh và đó cũng là màu áo “dứt nợ duyên”. Vâng đúng vậy màu lam đẹp lắm! đep vô cùng. Không phải cái đẹp của tạm bợ vô thường mà đó là cái đẹp của sự vững chãi, trang nghiêm, nhẹ nhàng của sự cần mẫn và trong sáng của tình thương và trí tuệ hướng tới phương trời cao rộng. Ngày lại ngày:“Sôi kinh nấu sử, tỏ nguồn Đạo. Hướng dẫn người tu dứt não phiền”. Nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng mấy ai làm được như vậy, mấy ai dám cắt đi mái tóc thủa còn xanh nguyện dành trọn cuộc đời mình vì tìm cầu chân lý cho tự thân và xa hơn thế nữa là hạnh phúc của tha nhân trong sự nghiệp “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Nghe thì bình dị chỉ vậy thôi nhưng tuyệt diệu đến vô cùng, ngôn từ của thế nhân không thể khắc họa được hình ảnh tự tại thanh thoát ấy, xin được mượn đôi câu thơ để nói nên tâm tình:
Xin được gởi về những người Nữ tu sĩ trẻ hôm nay! Đang từng bước vững chãi, thong dong trong thế sự đầy bất biến vô thương này, đang nối tiếp con đường xiển dương Chánh pháp của chư vị Tổ sư ni tiền bối, thực tập công hạnh của người xuất gia, những khổ đau dần khép lại, giờ đây chỉ còn tình yêu thương, niềm an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi trong mỗi bước chân trên con đường giải thoát cho tự thân và tha nhân.
Còn chờ chi nữa, hãy một lần tìm về với chính mình, nơi bản thể sáng trong trò đầy, không tạp nhiễm trần lao, không say men ái dục mà nó đã vô minh sai sử tham nhiễm chất đầy mà mỗi chúng ta như vô tình không hay biết, thức tỉnh tâm thức ra khỏi sự đam mê lặn hụp không biết chán chường trong biển “ái” sông “hà”, hiện bày những sắc màu “chân tâm”. Và đó phải chăng là tiếng lòng thánh thiện, tiếng nhịp đập hướng thượng của con tim hòa cùng những âm thanh vi diệu với màu áo lam hiền khơi nguồn giải thoát có sứ mệnh phụng sự khúc “khải hoàn ca” cho người tìm về “cố quốc”.
Phù Vân - Văn hóa Phật giáo Việt nam