Quyết định HĐTS: V/v phê duyệt Trụ kinh Chuyển Pháp Luân
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------------
THUYẾT MINH
PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ TRỤ KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo đã du nhập vào nước ta và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội thông qua hệ tư tưởng, giáo lý, triết lý Phật giáo. Đặc biệt là hệ thống kinh tụng với lời dậy uyên thâm trí tuệ, thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả và cứu độ chúng sinh của đức Phật, Bồ tát, các cao tăng, thạc đức đã dần “cảm hóa” và dung hòa với tín ngưỡng bản địa tạo thành một sợi dây “gắn kết vô hình” trong cộng đồng.
Theo Phật giáo sử, trụ kinh đầu tiên đánh dấu nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân được vua A Dục ở Ấn Độ xây khoảng năm 249 trước Công nguyên tại vườn Lộc Uyển (Sarmath), nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên Kinh Chuyển Pháp Luân . Hiện nay, trải qua thời gian, trụ kinh không còn nguyên vẹn và chỉ tu bổ lại làm chứng tích. Ngoài ra, vua A Dục còn xây thêm 03 trụ kinh nữa ở những nơi Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật Niết Bàn - Ấn Độ.
Ở Việt Nam, nhiều tư liệu nghiên cứu cho thấy, ngay từ khi mới du nhập, Phật giáo đã để lại dấu ấn đậm nét tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Dâu. Tại đây, hơn 20 bảo tháp được xây dựng, 15 bộ kinh được dịch và hơn 500 tăng sĩ hoạt động hoằng pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân. Trong đó, những cột kinh Phật, tháp thờ Phật... với nội dung thể hiện triết lý, giáo lý Phật giáo đã hiện diện ở đó và đây là những minh chứng sống động nhất cho triết lý, tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, tinh thần Trung đạo, tư tưởng Bát chính đạo (Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định), Tứ diệu đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và các hệ tư tưởng khác của Phật giáo có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt khoa học và thực tiễn trong việc bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người trong xã hội, hướng con người đến bản tính Chân, Thiện, Mỹ.
Đến thế kỷ 10, Phật giáo được các vị vua nhà Đinh và Tiền Lê quan tâm và đã lấy Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo cho việc trị nước, tiêu biểu như vua Đinh Tiên Hoàng sùng đạo Phật và đã cho xây dựng nhiều chùa, chiền, bảo tháp, tháp, cột kinh,... sau đó là Nam Việt Vương Đinh Liễn cho dựng tại kinh đô Hoa Lư 100 cột đá khắc kinh Phật (trụ kinh),… vào năm 973. Điều này đã phần nào thể hiện sự phát triển Phật giáo thời kỳ này, đồng thời cho thấy, những cột kinh, trụ kinh Phật đã có từ rất sớm và đây là một trong những hình thức truyền bá tư tưởng, giáo lý Phật giáo hiệu quả qua các thời kỳ.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân là bài giảng đầu tiên ngay sau Đức Phật chứng đạo 7 tuần, tại Vườn Nai để chuyển bánh xe chính pháp “Turning of the Wheel of the Dhamma”. Đây là bài pháp căn bản định hướng lối sống trung đạo và chỉ rõ bốn sự thật cao quý cho mọi người ứng dụng tu hành nhằm giác ngộ, giải thoát. Bốn sự thật ấy chính là chân lý về Khổ (dukkha), nguyên nhân sinh khổ (Dukkha-Samudaya), sự chấm dứt đau khổ (Dukkha-nirodha) và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ (Dukkha-nirodha-Marga). Bài pháp này là giáo lý nền tảng căn bản của Phật giáo và được xem là thiện pháp tối thắng. Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) đã từng nhận định: “Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là to lớn trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong tứ Thánh đế.” Dhammacakka, Phạn ngữ thường được phiên dịch là ‘Vương Quốc của Chân Lý’, ‘Vương Quốc của sự Chính Đáng’, ‘Bánh Xe Chân Lý’. Như vậy, Dhammacakkhappavatana là vận chuyển bánh xe Chính pháp.
Tuy nhiên, hệ thống kinh điển Phật giáo rất đồ sộ, lại có nhiều dị bản khác nhau. Mỗi hệ phái ở mỗi vùng miền lại có các nghi thức tụng niệm với nhiều loại kinh tụng khác nhau, dẫn đến một thực tế, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện các nghi lễ tập trung thì mỗi hệ phái lại tụng một bài kinh khác nhau, từ đó tạo ra sự thiếu tính thống nhất và trang nghiêm trong thực hành nghi lễ.
Năm 2015, Ban Văn hóa Trung ương được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện 04 đề án, trong đó có Đề án Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam đã được phê duyệt. Sau khi nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm, lấy ý kiến Tăng Ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, các nhà khoa học,... thì kinh Chuyển Pháp Luân đã được lựa chọn, biên tập, chỉnh sửa hoàn thiện và đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt kinh Chuyển Pháp Luân là bài khóa tụng thống nhất của Phật giáo Việt Nam trong các nghi lễ quốc gia, quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Quyết định số 139/QĐ.HĐTS ngày 20/07/2018 và Quyết định số 76/QĐ.HĐTS ngày 14/4/2021).
Tiếp nối tinh thần ấy, từ năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất lấy bài Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh tụng chung cho tất cả các Tăng Ni và Phật tử, các hệ phái Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, và sẽ sớm ra mắt trụ kinh được khắc bài kinh Chuyển Pháp Luân bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pali và Anh ngữ, với mong muốn được dựng tại Vườn Nai - Ấn Độ, nơi Đức Phật đã thuyết giảng bài Kinh này và đồng thời lan toả tại các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần tăng thêm nhận thức, ứng dụng lời dạy của Đức Phật, từ đó hướng tín đồ, Phật tử tu tâm dưỡng tính, hướng con người đến chân, thiện, mỹ, xây dựng một cộng đồng nhân loại thực sự hoà bình và hạnh phúc.
Trên cơ sở nội dung kinh Chuyển Pháp Luân được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt, Ban Văn hóa trung ương đã tích cực phối hợp với các hệ phái Phật giáo và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố lan tỏa, phát huy dưới các hình thức khác nhau: in ấn phẩm, clip…và triển khai nghiên cứu phát huy qua hình thức trụ kinh.
Đây là hình thức được kế thừa, phát huy ý nghĩa, tinh hoa Trụ đá của vua A Dục (272 - 236 TCN) ghi dấu những bước chân hoằng hóa độ sinh của Đức Phật ở Ấn Độ đương thời và Trụ kinh Lăng Nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại chùa Nhất Trụ (Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam) với ước nguyện giáo lý Phật đã được lan toả khắp chốn nhân gian, làm vơi đi những nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Trụ kinh Chuyển Pháp Luân được dựng lên còn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng ngôn ngữ văn hóa Phật giáo và tinh thần dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời tiếp nối truyền thống Phật giáo thế giới và dân tộc, tạo quy chuẩn Trụ kinh thống nhất cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
2.1. Mục đích
- Tiếp tục phát huy, lan tỏa Đề án Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam.
- Phổ biến lời răn dạy của Đức Phật đến quảng đại quần chúng, tới tín đồ Phật tử và khách thập phương một cách sâu rộng và dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành trên bước đường tu học.
- Đa dạng hóa các hình thức truyền bá và hoằng dương Phật pháp.
- Tạo bộ nhận diện cho các ngôi tự viện/công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
2.2. Yêu cầu
- Đảm bảo tính khoa học, chính xác về mặt nội dung theo đúng bài khóa tụng thống nhất (kinh Chuyển Pháp Luân) của Phật giáo Việt Nam đã được phê duyệt trong Quyết định 139/QĐ.HĐTS ngày 20/07/2018 và Quyết định số 76/QĐ.HĐTS ngày 14/4/2021 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
- Đảm bảo đúng tư tưởng, triết lý, giáo lý và ý nghĩa Phật giáo.
- Hình thức Trụ kinh Chuyển Pháp Luân cần đảm bảo kế thừa yếu tố Phật giáo truyền thống kết hợp tiếp thu yếu tố văn hóa hiện đại, phù hợp thời đại mới, đặc biệt là các biểu tượng, hình ảnh Phật giáo đặc trưng và có ý nghĩa.
- Trụ kinh đảm bảo dễ tiếp cận, nhận diện và nhân rộng tới các hệ phái, vùng miền trên cả nước.
- Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, có ý nghĩa, khả thi, phù hợp thực tiễn.
III. CƠ SỞ XÂY DỰNG TRỤ KINH
3.1. Cơ sở pháp lý
- Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS ngày 14/07/2015 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt triển khai thực hiện 04 đề án của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ (2012 - 2017);
- Quyết định số 139/QĐ.HĐTS ngày 20/07/2018 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt khóa tụng thống nhất của Phật giáo Việt Nam.
- Quyết định số 76/QĐ.HĐTS ngày 14/4/2021 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt nội dung khóa tụng hàng ngày sử dụng trong nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
Nội dung giáo pháp của Phật giáo thường có 3 phần chính: Kinh, Luật, Luận; trong đó Kinh là những bài giảng Đức Phật nói ra; Luật là những quy định, giới cấm Đức Phật chế ra và Luận là bài luận giải của Đức Phật và các vị cao tăng chứng đạo viết làm sáng tỏ nghĩa Kinh, Luật.
Hệ thống Kinh tụng Phật giáo vô cùng phong phú, trong đó, tiêu biểu nhất là kinh Chuyển Pháp Luân. Kinh Chuyển Pháp Luân trong tiếng Pali gọi là Dhammacakkappavattana Sutta. Trong đó Dhammacakkappavattana được ghép lại từ 3 chữ: Dhamma có nghĩa là Pháp; Cakka có nghĩa là trung tâm năng lượng của con người (thường gắn với biểu tượng vòng tròn, bánh xe, dĩa tròn, hình tròn...); Pavattana có nghĩa là sự chuyển động, lăn, quay, cuốn tròn…; và từ Sutta có nghĩa là kinh tụng. Kinh Chuyển Pháp Luân là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại Vườn Nai ngay sau khi Ngài đắc đạo.
Như vậy, giáo lý Tứ Diệu Đế được Đức Phật thuyết giảng trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Ngài thực chứng về lý duyên khởi của khổ đau, nhận chân giá trị đích thực cuộc sống cho mỗi hành giả tu học, phá tan màn vô minh che mắt chúng sinh, như người đói được ăn, người rét được mặc ấm, người qua sông được gặp thuyền, ý thức được kiếp nhân sinh: sinh, già, bệnh, chết,… hướng tới đời sống thánh thiện. Nội dung giáo lý thể hiện trong bài kinh Chuyển Pháp Luân phản ánh trí tuệ là nền tảng giúp con người nhìn nhận, đánh giá sự việc khách quan, khoa học, thực tiễn như nó vốn có. Từ đó đề ra mục tiêu, giải pháp chân chính, lối sống từ bi hỷ xả, an lạc, chuyển khổ ra vui mới có hạnh phúc chân thật. Tiền tài, vật chất, danh lợi chỉ là phương tiện, vật để ngoài thân. Cần tránh xa tham, sân, si để tu thành, đắc đạo.
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tiếp tục triển khai thực hiện và lan tỏa đề án Ngôn ngữ đã được phê duyệt, đồng thời dựa trên cơ sở nghiên cứu triết lý, giáo lý và các biểu tượng Phật giáo, Ban Văn hóa trung ương nghiên cứu, thiết kế, xây dựng Trụ kinh Chuyển Pháp Luân để nối tiếp truyền thống Phật giáo thế giới và dân tộc, tạo quy chuẩn trụ kinh thống nhất cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Việc xây dựng Trụ kinh Chuyển Pháp Luân tại các trụ sở Phật giáo là vấn đề hết sức cần thiết, như là nơi tu tập, trao đổi kinh nghiệm tu tập Phật pháp, thực hiện tinh thần cốt lõi của Đức Phật là: “Hướng các hành giả đến sự xa lìa đau khổ, chứng đạt được giải thoát an vui trong cuộc sống tu hành” ở mọi trú xứ của Phật giáo Việt Nam. Củng cố và nâng cao chất lượng tu tập của các Phật tử, từ đó góp phần tạo sự thống nhất trong đa dạng trong tu tập cho các hệ phái, vùng miền.
IV. NỘI DUNG
4.1. Ý nghĩa của việc dựng trụ kinh
Trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử, Phật giáo có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước và có những thời kỳ Phật giáo được coi như là “quốc giáo”. Những tư tưởng và triết lý, đạo lý tốt đẹp của nhà Phật được thể hiện qua các bài kinh tụng đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh có ý nghĩa nhất với các nội dung nói lên các điểm chính yếu của Đạo giải thoát đó là Tứ Diệu Đế và Bát Chính đạo.
Tứ diệu đế (Đạo đế, Diệt đế, Tập đế, Khổ đế) là bốn chân lý cao cả, là nền tảng của Phật giáo giúp con người giác ngộ và tu tập trên cả phương diện lý thuyết và thực hành để được giải thoát khỏi những khổ đau trong đời thường. Hiện nay, giáo lý Tứ Diệu Đế là cốt lõi quan trọng nhất đã được tất cả các tông phái công nhận như là cốt lõi chung nhất và thuần túy nhất của đạo Phật.
Bát chánh đạo là 8 con đường chánh niệm để thoát Khổ; là giáo lý căn bản của Ðạo đế (1 trong 4 Tứ Diệu đế). Ðây là con đường độc nhất đi đến giải thoát hết thảy các tham, sân, si, giúp con người nhìn nhận, đánh giá sự việc khách quan, khoa học, thực tiễn như nó vốn có. Từ đó đề ra mục tiêu lìa khổ được vui, giải pháp chân chính, lối sống từ bi, hỷ xả, an lạc và hạnh phúc chân thật trong nội tâm. Và cho rằng tiền tài, vật chất, danh lợi chỉ là phương tiện, vật để ngoài thân.
Với triết lý Tứ diệu đế và Bát chính đạo nêu rõ các sự khổ, nguyên nhân sự khổ và cách hết khổ để các hành giả có thể tu tập và rèn luyện, đặc biệt là nội dung bài kinh dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ nên kinh Chuyển Pháp Luân đã nhanh chóng được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng Phật tử.
Trên cơ sở kế thừa truyền thống xây dựng Trụ kinh đầu tiên của vua A Dục (Ấn Độ) vào khoảng năm 249 TCN và truyền thống xây dựng nhiều chùa chiền, bảo tháp, cột kinh,... dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ X, triều đình nhà Đinh và Tiền Lê đã cho xây dựng rất nhiều cột đá khắc kinh Phật (trụ kinh) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), trong đó tiêu biểu nhất là Trụ kinh Nhất Trụ (Trụ kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng đá tại chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình do vua Lê Đại Hành cho xây dựng năm 995). Trụ kinh Nhất Trụ không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc, hoa văn trang trí mà còn được xem là hình mẫu “trụ kinh” được các Phật tử và nhà chùa trên cả nước kế thừa, học hỏi trong quá trình xây dựng trụ kinh ở địa phương. Với rất nhiều giá trị, Trụ kinh Nhất Trụ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Hình thức trụ cũng tiếp tục được sử dụng dưới dạng thức cây hương để ghi lại những việc làng, việc chùa ở một số ngôi chùa ở những thời kỳ sau này, tiêu biểu như cây hương đá chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17, Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia,…
4.2. Nội dung Trụ kinh
4.2.1. Nội dung bài kinh Chuyển Pháp Luân
- Nội dung chủ yếu của bài kinh là nói lên chân lý sự thật và con đường trung đạo. Con đường trung đạo chính là con đường tránh 2 cực đoan, không say đắm ngũ dục, cũng không ép xác khổ hạnh thái quá, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa thân và tâm, dung hoà giữa con người với con người, giữa con người với thế giới thiên nhiên, giữa quốc gia với quốc gia, giữa tổ chức này với tổ chức khác và lấy Bát chính đạo làm nền tảng và kim chỉ nam để đạt đến triết lý trung đạo, nhằm xây dựng một thế giới thực sự hoà bình, khiến cho nhân loại và tất cả chúng sinh đều được giải thoát và an vui.
- Nội dung kinh Chuyển Pháp Luân khắc trên trụ kinh được lấy nguyên văn theo Quyết định 139/QĐ-HĐTS ngày 20 tháng 7 năm 2018 và Quyết định số 76/QĐ.HĐTS ngày 14 tháng 4 năm 2021 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ thể nội dung như sau:
Tôi được nghe rằng:
Một thời Thế Tôn
Trú ở vườn Nai,
Gần Ba-la-nại.
Bấy giờ Thế Tôn
Gọi năm tỳ-khưu
Đến dạy thế này:
Có hai thái cực,
Người tu nên tránh,
Một là khoái lạc,
Say đắm ngũ dục;
Hai là khổ hạnh,
Ép xác hành thân.
Hai con đường này
Đưa đến hậu quả,
Hủy hoại thân tâm,
Con đường Như Lai
Đã tìm ra được
Là đường Trung đạo:
Tránh hai cực đoan,
Đem đến trí tuệ,
Giải thoát, an vui;
Có tám chi phần:
Nhận thức chân chính,
Tư duy chân chính,
Ngôn ngữ chân chính,
Hành động chân chính,
Sinh kế chân chính,
Chuyên cần chân chính,
Chú ý chân chính,
Định tâm chân chính.
Chính Trung đạo này
Như Lai đã đi,
Đạt được trí tuệ,
Giải thoát, an lạc.
Này các tỳ-khưu
Giác đạo là gì?
Chính là con đường
Đối diện khổ đau,
Mà nhận thức được
Nguyên nhân sinh khổ,
Vì muốn thoát khổ
Tìm ra nguyên nhân,
Diệt trừ khổ đau.
Do vậy nhận thức,
Là điểm khởi đầu
Phát khởi tư duy,
Ươm mầm trí tuệ,
Soi sáng tất cả:
Ngôn từ, hành động,
Sinh kế, chuyên cần,
Đều hợp chính đạo,
Giúp cho hành giả
Xa lánh ràng buộc,
Giải thoát, an vui.
Này các tỳ-khưu:
Có bốn sự thật,
Người tu phải thấy:
Sự thật về khổ,
Nguyên nhân sinh khổ,
Sự thật hết khổ,
Con đường thoát khổ.
Bốn Sự Thật ấy,
Mầu nhiệm vô cùng
Gọi tứ Diệu đế.
Này các tỳ-khưu:
Sự Thật thứ nhất:
Là hiện tượng khổ
Sinh, già, bệnh, chết,
Buồn giận, ghen tức,
Lo lắng, sợ hãi,
Thất vọng, khổ não,
Chia cách người thân,
Chung đụng kẻ ghét,
Tham lam bám víu,
Năm uẩn là khổ.
Sự Thật thứ hai:
Nguyên nhân sinh khổ
Vì tâm mê muội,
Không thấy, không biết,
Bản chất thân tâm,
Cội nguồn sự sống,
Nên bị ngọn lửa,
Tham đắm, giận hờn,
Ghen tức, sầu não,
Lo lắng, sợ hãi,
Thất vọng, buồn chán,
Đốt cháy hành hạ.
Sự Thật thứ ba:
Chấm dứt khổ đau
Nhờ có tuệ giác,
Thấy rõ, biết rõ,
Sự Thật bản thân,
Và về cuộc đời,
Sầu não tan biến,
Phát sinh hỷ lạc.
Sự Thật thứ tư:
Con đường thoát khổ
Gồm tám chi phần,
Như Lai đã dạy
Nhớ nghĩ thực hành,
Trong mọi thời gian;
Và bốn Sự Thật,
Cần phải thấu hiểu,
Siêng năng thực hành,
Sẽ sớm đạt được
Niết-bàn, giải thoát.
Thế Tôn thuyết giảng,
Bài pháp đầu tiên
Sự Thật nhiệm mầu,
Năm vị tỳ-khưu
Nghe Phật dạy xong,
Tâm trí bừng sáng,
Nếm được hương vị,
Giải thoát, an lạc.
Hoan hỷ tiếp nhận,
Kính cẩn vâng giữ,
Nối truyền xưng tụng,
Kinh Chuyển Pháp Luân.
4.2.2. Bài ký: lịch sử, ý nghĩa xây dựng trụ kinh và các thông tin khác (lạc khoản): thời gian, người/đơn vị chủ trì, thực hiện, kích thước, chất liệu, thời gian, địa điểm dựng Trụ kinh,…
BÀI KÝ TRỤ KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
Năm 2015, kinh Chuyển Pháp Luân được Ban Văn hóa trung ương, Ban Nghi lễ trung ương GHPGVN lựa chọn, biên tập thống nhất bằng tiếng Việt cùng sự góp ý, chỉnh sửa của Tăng, Ni, Phật tử các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học. Năm 2021, nội dung Kinh được hoàn thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn chứng và sử dụng cho Tăng, Ni, Phật tử các hệ phái trong các nghi lễ chung (quốc gia, quốc tế) của Giáo hội.
Trụ kinh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo dựng nhằm tôn vinh và lan tỏa tinh thần, giá trị cốt lõi những lời dạy của Đức Phật trong kinh Chuyển Pháp Luân. Trụ kinh là sự kế thừa, phát huy ý nghĩa, tinh hoa Trụ đá của vua A Dục (272 - 236 TCN) ở Ấn Độ và Trụ kinh Lăng Nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại Chùa Nhất Trụ (Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam) với ước nguyện giáo lý Phật đà được lan toả khắp chốn nhân gian, làm vơi đi những nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Trụ kinh được dựng lên còn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng ngôn ngữ văn hóa Phật giáo và tinh thần dân tộc Việt Nam.
Trụ kinh gồm có 3 phần: 1. Đế trụ, hình tứ giác giật 3 cấp, biểu trưng cho Tứ Diệu Đế và Tam Hành chuyển pháp luân; 2. Thân trụ, hình bát giác, biểu trưng cho Bát Chính Đạo và con đường Trung Đạo của Phật giáo; 3. Đỉnh trụ, hình hoa sen, biểu trưng cho Phật quả thanh tịnh, giác ngộ, viên mãn.
Ngày lành tháng tốt năm Quý Mão (ngày 9 tháng 10 năm 2023).
Kính cẩn phụng soạn: Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng, Ni các hệ phái Phật giáo, chuyên gia, nhà khoa học.
INSCRIPTION ON THE PILLAR OF DHAMMACAKKAPPAVATTANA SUTTA
By 2015, the Central Board of Culture and the Central Board of Ceremonies of the Vietnamese Buddhist Sangha selected and edited this Sutta uniformly with its Vietnamese language together with the comments and corrections of the learned monks, nuns and Buddhists devotees… In 2021, the content of the Sutta is completed, approved by the Vietnam Buddhist Sangha, sealed by the Elder Most Venerable Thich Tri Quang, Acting Supreme Patriarch of Vietnam Buddhist Sangha of the Vietnam Buddhist Sangha and used for common (national, international) ceremonies.
The Sutra Pillar was erected by the Vietnam Buddhist Sangha to honor and aim at the core of Buddha's teachings in the Dhammacakkappavattana Sutta. This Sutra Pillar is the inheritance, promotion of meaning, the core of the Stone Pillars of King Asoka (272 - 236 BC) in India. And similarly, the Pillar of Śūraṃgama-samādhi-sutta in the Anterior/Former Le dynasty (10th century) erected at Nhat Tru Pagoda (Hoa Lu Ancient Capital, Ninh Binh Province, Vietnam) with the wishes that the Buddha's teachings would be spread all over the world, alleviating the sufferings of human being. The Sutra Pillar was also erected to preserve and promote the specific values of Buddhist language and culture and the national spirit of Vietnam.
The Sutra Pillar consists of 3 parts: 1. The base of the pillar, the quadrilateral of 3 parts, representing the Four Noble Truths and the Three moves turning the Dhamma wheel; 2. Pillar body, octagonal shape, symbolizing the Eightfold Noble Paths and the Middle Way; 3. The top of the pillar, the lotus… represents the pure, enlightened, and perfect.
Auspicious day of the year of the Cat Lunar Calenda (October 9, 2023).
Respectfully composed by the Most Venerable Thich Tho Lac, Head of the Central Cultural Board of the Vietnam Buddhist Sangha, and Buddhist monks and nuns of different sects, experts and scientists.
4.3. Hình thức Trụ kinh
4.3.1. Ngôn ngữ
Chữ khắc trên Trụ kinh gồm 3 ngôn ngữ: Pali, Việt, Anh (hoặc ngôn ngữ địa phương/dân tộc), trong đó:
+ Tiếng Pali: ngôn ngữ Đức Phật thuyết giảng kinh.
+ Tiếng Việt: ngôn ngữ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.
+ Tiếng Anh/tiếng địa phương (tiếng dân tộc) (tùy thuộc nơi/ngôi chùa đặt trụ kinh): ngôn ngữ quốc tế/địa phương để khách nước ngoài/người dân địa phương đều có thể đọc, từ đó có thể hiểu, thực hành và chứng ngộ.
Hình thức chữ khắc: chân phương, dễ đọc.
4.3.2. Hình thức mỹ thuật (hình dáng, trang trí và ý nghĩa biểu tượng)
* Hình thức: Hình thức Trụ kinh Chuyển Pháp Luân được khắc trên Trụ kinh tập trung thể hiện rõ tư tưởng, nội dung cơ bản của kinh Chuyển Pháp Luân bao gồm: Tứ Diệu đế, Bát Chính đạo, Trung đạo, Giải thoát, Giác ngộ và An lạc…;
- Tập trung giới thiệu, sử dụng các hình ảnh biểu tượng để làm nổi bật được:
+ Bối cảnh ra đời kinh Chuyển Pháp Luân (Vườn Nai).
+ Nội dung cơ bản kinh Chuyển Pháp Luân: Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Trung đạo, Giải thoát/Giác ngộ.
+ Tổng hòa Trụ kinh: thể hiện con đường Trung đạo đi đến giải thoát khỏi sự khổ.
- Kế thừa truyền thống: Trụ kinh ở Hoa Lư (Nhất Trụ): Trụ kinh chùa Nhất Trụ (Trụ kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng đá tại chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình do vua Lê Đại Hành cho xây dựng năm 995). Trụ kinh được làm bằng đá, cao 4,16m; nặng 4,5 tấn. Cột được lắp ghép bằng 6 bộ phận (tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen) và được gắn chặt với nhau bằng “mộng” mà không cần sử dụng chất kết dính. Trên tám mặt của thân trụ đều được khắc bài minh văn chữ Hán (khoảng 2.500 chữ). Nhưng hầu hết các chữ trên Trụ kinh Nhất Trụ đã bị mờ hoặc không còn nguyên vẹn nhưng vẫn cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về nội dung trụ đề cập đến các dòng lạc khoản, kệ kinh của nhà Phật (nên còn được gọi là Cột kinh Phật). Trụ kinh chùa Nhất Trụ không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc, hoa văn trang trí mà còn được xem là hình mẫu “trụ kinh” được các Phật tử và nhà chùa trên cả nước kế thừa, học hỏi trong quá trình xây dựng trụ kinh ở địa phương. Đồng thời, tham khảo các dạng thức cột đá, cây hương truyền thống.
* Trang trí: Bản thân trụ kinh là một biểu tượng chuyển tải nội dung kinh Chuyển Pháp Luân, vì vậy, các họa tiết, hoa văn trang trí đều mang tính biểu tượng cao và khai thác những ý nghĩa biểu tượng từ kinh Chuyển Pháp Luân. Vì vậy, các họa tiết, hoa văn trang trí tập trung thể hiện ý nghĩa biểu tượng của kinh Chuyển Pháp Luân và khai thác tối ưu đặc trưng văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cụ thể:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế kết ấn chuyển pháp luân, bánh xe chuyển pháp luân, hình nai, cánh sen cách điệu, búp sen.
- Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (thể hiện dưới dạng logo) kết hợp đặc trưng họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn (biểu tượng cho văn hóa dân tộc Việt Nam), biểu tượng logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bánh xe Chuyển Pháp Luân biểu tượng của Phật giáo thế giới và biểu thị ý nghĩa Đạo pháp - Dân tộc (Đạo pháp trong lòng Dân tộc và Phật giáo thế giới).
- Kế thừa truyền thống: Các dạng thức mỹ thuật của các hoa văn trang trí: Đức Phật Thích Ca trong tư thế kết ấn chuyển pháp luân, bánh xe chuyển pháp luân, hình nai, băng cánh sen, hoa sen, búp sen, lá đề, mặt trời, chim Lạc, chữ S gấp khúc, đường tròn tiếp tuyến,… được tham khảo, chắt lọc, xây dựng trên cơ sở các tư liệu lịch sử, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).
Hình thức, trang trí cụ thể:
- Hình dáng Trụ kinh: bố cục gồm 3 phần: bệ, thân, đỉnh tương ứng các hình khối vuông, bát giác, tròn. a. Bệ trụ, hình tứ giác giật 3 cấp, biểu trưng cho Tứ Diệu Đế và Tam Hành chuyển pháp luân; b. Thân trụ, hình bát giác, biểu trưng cho Bát Chính Đạo và con đường Trung Đạo của Phật giáo; c. Đỉnh trụ, hình hoa sen, biểu trưng cho Phật quả thanh tịnh, giác ngộ, viên mãn.
- Trang trí, ý nghĩa của các biểu tượng:
Đề tài trang trí: Đức Phật kết ấn chuyển pháp luân, sen, bánh xe chuyển pháp luân có đôi nai chầu... Đây đều là những biểu tượng vừa có tính nghệ thuật trong kiến trúc Phật giáo, vừa kế thừa Trụ kinh chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư, Ninh Bình đồng thời làm phong phú thêm nội dung Pháp Phật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng trong 49 năm. Các họa tiết, hoa văn được sử dụng trong trang trí Trụ kinh Chuyển Pháp Luân đều có ý nghĩa biểu tượng gắn liền với Phật giáo và được khai thác/biểu tượng hóa từ nội dung, ý tưởng trong kinh Chuyển Pháp Luân. Cụ thể:
a. Bệ trụ: hình tứ giác, ý nghĩa: Tứ Diệu Đế
Bệ trụ gồm 2 phần: tứ giác (bệ dưới) và bát giác (bệ trên). Trong đó, bệ dưới được tạo hình vuông giật 3 cấp, để thể hiện nội dung Kinh đó là Tứ diệu đế và Tam hành chuyển pháp luân giúp người tu thấu hiểu chân thật về: sự khổ, nguyên nhân khổ, mục tiêu trừ khổ, giải pháp chuyển khổ ra an lạc. Con đường giác ngộ là con đường Trung đạo, tránh 2 cực đoan, sống biết đủ, không dính mắc vào tham, sân, si hay ép xác hành thân. Người tu đúng chính pháp có thể đạt quả vị A La Hán. Bệ trên hình bát giác, tạo sự chuyển tiếp uyển chuyển từ phần bệ tứ giác lên thân trụ bát giác. Giữa hai phần bệ thắt lại tạo sự thanh thoát cho phần bệ trụ cũng như tổng thể trụ kinh.
b. Thân trụ: hình bát giác, ý nghĩa: Bát chính đạo
Thân trụ kinh biểu trưng cho Trung đạo và 8 mặt của Trụ kinh là biểu trưng cho Bát Chính đạo. Đây là vị trí khắc nội dung kinh Chuyển Pháp Luân với con đường Bát chính đạo. Hệ phái, tông phái nào cũng cần lấy con đường Trung đạo và Bát chính đạo mà thực hành mới có kết chứng đạo.
+ Trên 6 mặt, khắc nội dung Kinh bằng 3 ngôn ngữ: Pali, Việt, Anh (hoặc ngôn ngữ địa phương/dân tộc) theo chiều kim đồng hồ.
+ Trên 2 mặt còn lại (đối xứng nhau): khắc tên kinh Chuyển Pháp Luân (mặt trước: 3 ngôn ngữ Pali - Việt - Anh/ngôn ngữ địa phương/dân tộc) và thông tin về ý nghĩa, lịch sử xây dựng trụ kinh, lạc khoản…(mặt sau đối diện: 2 ngôn ngữ Việt - Anh).
Độ sâu và độ rộng của chữ theo tùy theo số chữ ở mỗi bản kinh và kích thước quy chuẩn của mỗi trụ kinh.
c. Đỉnh trụ: Hình bông sen, ý nghĩa: giác ngộ, giải thoát khỏi sự khổ
Đế sen gồm 2 khối hình bát giác và hình tròn, trong đó:
Đế bát giác: là khối chuyển tiếp trụ bát giác lên đỉnh trụ (bông sen) và được cách điệu mái kiến trúc truyền thống, trên mỗi mặt cạnh trang trí các cụm từ được thể hiện trong nội dung kinh Chuyển Pháp Luân về Bát chính đạo:
“Nhận thức chân chính,
Tư duy chân chính,
Ngôn ngữ chân chính,
Hành động chân chính,
Sinh kế chân chính,
Chuyên cần chân chính,
Chú ý chân chính,
Định tâm chân chính”
Đó là các từ: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định theo chiều kim đồng hồ. Trong đó, Chính kiến được bắt đầu từ mặt cạnh thứ nhất.
Chính kiến (Sammàditthi): hiểu biết đúng đắn.
Chính tư duy (Sammàsankappo): suy nghĩ chân chính.
Chính ngữ (Sammàvàcà): lời nói chân chính trung thực.
Chính nghiệp (Sammàkammanto): hành động chân chính, không làm viêc giả dối.
Chính mệnh (Sama àjìvo): sống chân chính, không tham lam, vụ lợi xa rời nhân nghĩa.
Chính tinh tiến (Samàvàyamo): cố gắng nỗ lực chân chính.
Chính niệm (Sammàsati): suy niệm và chú ý chân chính.
Chính định (Sammàsamàdhi): tĩnh lặng nội tâm và tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lay chuyển làm thoái chí, phân tâm.
Bông sen trên đỉnh được thể hiện dưới dạng búp sen biểu trưng cho Phật quả thanh tịnh, giác ngộ, viên mãn.
4.3.3. Kích thước
Tổng thể Trụ kinh được thiết kế quy chuẩn với 3 kích thước theo 3 cấp độ tỉ lệ khác nhau: lớn, trung bình, nhỏ làm cơ sở thuận lợi phù hợp khi trụ kinh được dựng ở các địa điểm, không gian, diện tích khác nhau.
4.3.4. Chất liệu
Trụ kinh Chuyển Pháp Luân được làm bằng các chất liệu khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn của các cơ sở tự viện, không gian, cảnh quan, diện tích,… nơi dựng trụ kinh; Tỷ lệ của các thành tố cấu kiện kiến trúc trụ kinh không thay đổi.
4.4. Ứng dụng biểu tượng
- Là một phần nhận diện của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Đây là biểu tượng chung để nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vì vậy, nơi dựng/đặt biểu tượng là những vị trí dễ nhận diện, hài hòa với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc đảm bảo tính “thống nhất trong đa dạng”. Trong đó:
+ Ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo là di tích hoặc hiện đang tồn tại: đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn di tích; lựa chọn vị trí phù hợp; hài hòa về kích thước, màu sắc, chất liệu,… và phù hợp trong thể chung các biểu tượng vốn có của công trình kiến trúc Phật giáo hiện tồn tại;
+ Ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới: vị trí dễ nhận diện (phía trước chùa, chính điện, trung tâm các công trình kiến trúc…) hài hòa với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc và phù hợp trong thể chung các biểu tượng vốn có của công trình kiến trúc Phật giáo truyền thống;
- Là một biểu tượng độc lập biểu trưng cho Phật giáo Việt Nam: được ứng dụng trên các loại hình sản phẩm biểu tượng, trang trí trên các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa Phật giáo, đồ lưu niệm…