Hà nội : Tọa đàm "Công tác triển khai Thiết kế và xây dựng Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân" và Đại lễ Phật đản Chùa Yên Phú
Hôm nay, 8h Ngày 12/05/2022 nhằm ngày 12/04 AL tại Văn phòng thường trú Ban VHTƯ GHPGVN – Chùa Yên Phú, Xã Liên Ninh, Huyện Thanh Trì diễn ra buổi tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu Ban VHTƯ tại các tỉnh thành về việc “Công tác triển khai Thiết kế và xây dựng Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân”.
Tham dự buổi tọa đàm có :
- Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký HĐTS Trg Ban VHTW GHPGVN
- Đại đức Thích Minh Thực – Ủy viên HĐTS Phật giáo Hà nội, Phó thường trực ban trị sự Phật giáo Huyện Thanh trì
- Ngài Subhash P. Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cùng cán bộ Đại sứ quán
- Ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trg bộ nội vụ - Chủ tịch hội kỷ lục gia Việt nam
- Ông Trần Ngọc Tăng – nguyên phó trưởng ban tuyên giao TƯ
- Hoàng Thanh Khiết – nguyên phó văn phòng thường trực văn phòng TW đảng
- Vũ Huy Văn – Phó trưởng phòng tổng hợp văn phòng TƯ đảng
- Đào Duy Cường – phó vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ
- Nguyễn Hồng Dương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo
- Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nguyên cứu tôn giáo
- Nhóm tư vấn thiết kế trụ kinh Chuyển Pháp Luân
- Cùng chư tôn đức Ban VHTƯ GHPGVN
Về chủ trương thiết kế và xây dựng trụ kinh Chuyển Pháp Luân, thượng tọa Thích Thọ Lạc đã từng nói: Một dân tộc muốn tồn tại và phát triển thịnh vượng cần phải giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp, bền vững. Đất nước Việt Nam nhờ có được bản sắc văn hóa ấy nên luôn vượt qua trước mọi thử thách. Mỗi người dân hãy tự bảo vệ và nâng cao giá trị văn hóa Việt, góp phần tích cực vào lối sống thiện lành, sống theo đạo lý trong hiến pháp và pháp luật. Nhằm tiếp nối tinh thần trụ kinh của Vua A Dục Ấn Độ được xây dựng từ thời Đức Phật giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên và kế thừa các trụ kinh Chùa Nhất Trụ của Vua Lê Đại Hành ở Việt Nam. Sau nhiều năm những trụ đá ấy vẫn còn hiện hữu, tuy nhiên nhiều chữ được khắc trên trụ bị mờ đi theo thời gian. Giá trị cao quý nhà Phật trong trụ Kinh Chuyển Pháp Luân chỉ thực sự tác dụng khi người ta chuyển tải ý nghĩa công năng Trụ Kinh vào suy nghĩ, lời nói, việc làm của nhân dân đều đi trong đạo lý. Để phát huy và thực hiện đề án ngôn ngữ BVHTƯ đang tiến hành thiết kế trụ Kinh “Chuyển Pháp Luân”.
Kinh Chuyển Pháp Luân làm sáng tỏ sự thật về: khổ, nguyên nhân khổ, mục tiêu diệt khổ và con đường thoát khổ. Mục đích xây dựng Trụ kinh Chuyển Pháp Luân là: Nâng cao nhận thức chân chính, thói quen thiện lành, hành động bền bỉ; xây dựng điểm nhấn Phật pháp bằng Trụ kinh để tăng cơ hội thực hành Phật pháp; tạo thêm các điểm nghiên cứu, hội thảo, du lịch tâm linh Phật giáo. Trong các buổi toạ đàm trước đó chư Tôn đức Ban Văn hóa Trung ương cùng đại diện Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Viện Bảo tồn Di tích; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; đã xây dựng và đóng góp mong muốn trụ Kinh chuyển tới người xem cần gắn với các biểu tượng như bài kinh Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo, Lục hoà, đặc trưng, đặc điểm kiến trúc Phật giáo phù hợp với thời đại hiện nay về định hướng phương án thiết kế trụ” Kinh Chuyển Pháp Luân” về trụ Kinh, chữ viết, màu sắc, truyền thống Phật giáo sao cho phù hợp nhất với Sự thống nhất trong đa dạng của kiến trúc Phật giáo.Dự kiến, trụ kinh sẽ được đặt tại 3 miền tổ quốc và vườn Nai – Ấn Độ.
Tại buổi tọa đàm, Thượng tọa Trưởng Ban hoan hỉ thông báo với ngài phó đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn độ tại Việt nam về thiết kế trụ kinh, thượng tọa cũng đề nghị DSQ Ấn độ hỗ trợ xin cấp phép với chính phủ Ấn độ để Ban VHTƯ GHPGVN được đặt trụ kinh tại Vườn Nai - Ấn độ. Trụ kinh sẽ là minh chứng cho sự giao thoa Văn hóa Phật giáo giữa Ấn độ và Việt nam, góp phần nâng cao tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt nam và Ấn độ.
9h30 cùng ngày, tại Chùa Yên Phú diễn ra Đại lễ Phật Đản với sự tham dự:
- Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký HĐTS Trưởng Ban VHTW GHPGVN
- Đại đức Thích Minh Thực – Ủy viên HĐTS Phật giáo Hà nội, Phó thường trực ban trị sự Phật giáo Huyện Thanh trì
- Ngài Subhash P. Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cùng cán bộ Đại sứ quán
- Ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trg bộ nội vụ - Chủ tịch hội kỷ lục gia Việt nam
- Ông Trần Ngọc Tăng – nguyên phó trưởng ban tuyên giao TƯ
- Hoàng Thanh Khiết – nguyên phó văn phòng thường trực văn phòng TW đảng
- Vũ Huy Văn – Phó trưởng phòng tổng hợp văn phòng TƯ đảng
- Đào Huy Cường – Phó vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ
- Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo
- Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nguyên cứu tôn giáo
- Nhóm tư vấn thiết kế trụ kinh Chuyển Pháp Luân
- Cùng chư tôn đức Ban VHTƯ GHPGVN
Tại buổi lễ Phật đản, Thượng tọa Thích Thọ Lạc tuyên đọc thông điệp phật đản của Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt nam. Xin được trích nguyên văn thông điệp của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Quyền Pháp chủ Giáo hội PGVN:
“Mùa Phật đản lại về, người con Phật khắp năm châu lại hân hoan chào đón ngày đức Đạo sư mang ánh sáng trí tuệ bao la và suối nguồn yêu thương bất tận đến cho nhân loại. Đây là dịp cho tất cả chúng ta ôn lại lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, là cơ hội để người Phật tử chiêm nghiệm, sống theo lời dạy vàng ngọc của Ngài, đi theo con đường giác ngộ của Ngài để đưa nhân loại đến hòa bình, an lạc và hạnh phúc.
Đức Phật dạy: Mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên sinh. Theo đó, con người có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình để bảo vệ sự tươi đẹp của hành tinh, và có vai trò quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng, tương lai của vũ trụ mà chúng ta đang sống.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn lại dạy: Người nào không thành tựu Thánh giới, Thánh tuệ, Thánh định và Thánh giải thoát thì người đó tự rời khỏi pháp và luật của đức Như lai. Tu tập Giới - Định - Tuệ là thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với chính mình, với tha nhân, với nhân sinh và với xã hội. Theo lời dạy của đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Ngay lúc này, người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi Tăng Ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Kính mừng đại Lễ Phật đản, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi gửi lời tán thán công đức tới Chư tôn đức Tăng Ni các cấp Giáo hội, và cơ sở tự viện trong cả nước, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã làm tốt công tác phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo; kính chúc tất cả sống an lành trong giáo pháp của Đức Như Lai! “.
Đại đức Thích Minh Thực tuyên đọc diễn văn Đại lễ Phật Đản 2022 của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Xin được trích nguyên diễn văn Phật đản Phật lịch 2566 – DL 2022 của Hòa thượng Chủ tịch GHPGVN:
“Ngược dòng thời gian cách đây 2646 năm, vào ngày trăng tròn tỏ rạng của tháng Vesak thiêng liêng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ cổ đại, nay là Nepal. Đức Phật đản sinh đã trở thành một sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. Ngài là “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Trải qua quá trình tu tập chứng nghiệm tâm linh, cũng vào thời khắc trăng tròn Vesak tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Trong công cuộc hoằng pháp và độ sinh, Ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, con đường giải thoát khổ đau, hòa hợp và phát triển thông qua giáo lý Bát Chánh Đạo, là bản thể của trung đạo và ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ, là con đường độc nhất đưa chúng sinh đến chứng quả Niết bàn và thành Phật.
Ngày nay, Đại lễ Phật đản – Vesak đã trở thành lễ hội tôn giáo vì hòa bình của Liên hợp quốc, là đại lễ thiêng liêng của hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh nhân loại đã trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, cùng với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, xung đột và chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, thì Phật đản là thời gian để Liên hợp quốc phát đi thông điệp của Đức Phật về hòa bình, lòng khoan dung, về thế giới không chiến tranh mà thay vào đó là tình thương, lòng bi mẫn, phụng sự con người và chúng sinh. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã khẳng định rằng: “Giáo lý của Đức Phật là thông điệp vượt thời gian về sự đoàn kết và phụng sự tha nhân ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhân ngày Phật đản – Vesak, chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh trí tuệ của Đức Phật bằng cách hành động vì người khác trên tinh thần từ bi và hòa hợp, cũng như đổi mới cam kết của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới hòa bình”.
Kính thưa quý liệt vị!
Mỗi độ hoa sen nở rộ khắp các miền quê trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, cũng là thời gian Tăng Ni và Phật tử Việt Nam lại hân hoan cùng với Phật giáo đồ trên thế giới đón mừng ngày khánh đản của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Năm Phật lịch 2566, Phật đản năm nay trở về trong niềm vui chung của nhân dân cả nước, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế xã hội đang trên đà hồi phục phát triển nhanh và bền vững, đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh mang lại sự phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người như Kinh Pháp Cú có dạy:
Vui thay Chư Phật ra đời
vui thay giáo Pháp khắp nơi hoằng truyền
vui thay Tăng chúng đoàn viên
vui thay bốn chúng kết duyên tu hành
Kính mừng Phật đản năm nay, cũng đúng vào thời gian Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đang tập trung trí tuệ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2022 – 2027 tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Để mọi Phật sự được thành tựu, mỗi Tăng Ni cần khắc ghi và thực hành lời dạy của Đức Phật về giáo lý Tứ nhiếp pháp: “Bố thí, là bằng tâm thanh tịnh nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19. Ái ngữ là dùng lời từ hòa hướng dẫn mọi người an trú vào pháp thiện. Lợi hành là làm lợi ích cho mọi người và xã hội. Đồng sự là hòa hợp dấn thân phục vụ để khuyến hóa mọi người phát tâm tu tập theo thiện pháp, hướng đến Nhất thiết trí – thành Phật”. Đây chính là con đường dẫn đến sự thành công của mọi công tác Phật sự. Đó cũng chính là con đường để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Giáo hội. Đồng thời là điều kiện quan trọng quyết định sự thanh tịnh, hòa hợp và thành công của Đại hội trên tinh thần Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết và Phát triển.
Trong niềm hoan hỷ vô biên, kính chúc Chư tôn đức Tăng Ni, Quý Cư sĩ, và đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài một mùa Phật đản an lạc, vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các Phật sự lợi đạo ích đời, trong tinh thần xương minh Đạo Pháp, phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường Đức Phật nhân ngày Đại lễ Phật đản – Vesak năm nay.”
Ngài Subhash P. Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ:
Trước tiên tôi xin chào mừng và gửi lời cảm ơn chân thành tới Quý vị khi mời tôi tham dự buổi lễ ngày hôm nay. Như chúng ta thấy Phật giáo làm đậm nét hơn mối liên kết văn hóa giữa Ấn độ và Việt nam. Khi mà phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Việt nam thì mối liên kết giữa 2 nền văn hóa lại càng lớn mạnh hơn. Tôi cũng rất vui khi nền văn hóa phật giáo ấn độ không chỉ phát triển tại Ấn độ mà còn phát triển ở các nước khác như Việt nam, Trung Quốc… Thông qua thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN và diễn văn Chủ tịch HĐTS tôi càng thấm nhuần giáo lý của Đức Phật về cách mà chúng ta sống, cách chúng ta đối xử với nhau để giúp cho xã hội ngày càng trở lên An lạc, Thịnh Vượng và bền vững hơn. Thấu hiểu được giáo lý và áp dụng được giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống sẽ giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn thông qua đó sẽ giúp xã hội phát triển vững mạnh, hòa bình sẽ đến với dân chúng và thế giới. Như chúng ta biết những giáo lý này đã có từ thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, đã 2500 năm trôi qua mà những giáo lý đó vẫn hiện hữu và có giá trị với chúng ta tới tận ngày nay.
Nhân dịp quan trọng này tôi cũng muốn gửi lời chúc sức khỏe tới quý vị. Thay mặt cho những người con người dân của đất nước Ấn Độ tôi xin được trân trọng kính mời Quý vị nếu có dịp ghé thăm Ấn độ, thăm Bồ đề đạo tràng nơi Đức Phật đản sinh mang cho chúng ta giáo lý của ngày nay. Thay mặt cho đại sứ quán Ấn độ và trung tâm văn hóa hữu nghị Việt nam Ấn độ, tôi xin chân thành cảm ơn sự hợp tác đến từ Giáo hội Phật giáo Việt nam nói chung, Ban VHTƯ nói riêng, trong thời gian vừa qua chúng ta đã kết hợp tổ chức được rất nhiều sự kiện, chương trình có ý nghĩa, là cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước.
Xin Chân thành cám ơn!
Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ :
Truyền thông Văn hóa Phật giáo Việt nam
Ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN