TẾT
Có thể nói ái cũng biết TẾT là dịp để những người đi xa quay về nhà, sum họp với những người thân-thương trong sự ấm áp.TÊT cũng là dịp để mỗi người dừng lại, ngơi nghỉ và quay về tự vấn bản thân, tự hứa với mình cũng như với những người thân, với những đấng thiêng liêng, những bậc Giác ngộ rằng mình sẽ tu chỉnh tự thân tốt hơn…
Gia đình là số một
Không ít bạn trẻ đã bộc bạch như thế, nhất là với những bạn đi xa gia đình, bôn ba nơi xứ người, sống kiếp “ở trọ”, ăn “cơm hàng, cháo chợ” thì càng cảm nhận tốt hơn ý nghĩa của tổ ấm, được sống bên người thân và được chăm sóc cũng như chăm sóc người mình thương yêu, kính mến. Bạn GIA HUY, nhân viên một ngân hàng tại TP.HCM bộc bạch: “Mỗi năm mình chỉ được về quê một lần vào dịp TẾT nên mong lắm. Cứ đến tháng Chạp là nôn nao, lo đặt mua vé tàu, máy bay để về nhà ngay khi cơ quan cho nghỉ”.
TẾT về và gợi ý thiện lành, an vui cho bạn, cho tôi
Những ngày TẾT đối với HUY là những ngày nghỉ ngơi thật sự và đặc biệt là ở bên bố mẹ trọn vẹn. “Một năm hơn 300 ngày mình đã bận rộn, bôn ba, đã làm và vui chơi nhiều rồi, nên TẾT được về bên bố mẹ mình muốn dành trọn thời gian để tận hưởng không khí ấm áp của gia đình, phụ giúp bố mẹ đôi việc, dẫu là nhỏ nhặt như tưới mấy cây hoa vạn thọ trước nhà, phụ mẹ nấu bữa cơm cúng ông bà, pha ấm trà cho ba tiếp khách hoặc lấy xe máy chở mẹ đi thăm mấy cô, dì thân tộc…”, HUY chia sẻ liến thoắng như thế và trong mắt không giấu được niềm vui sum vầy.
NGUYỄN HÒA, đang là sinh viên năm 4 của Trường Đại học KTQD TPHCM cũng cho biết: “TẾT, chỉ có dành cho gia đình là chính thôi. Tôi thấy nhiều bạn bè của mình đã dùng quỹ thời gian Tết để làm những việc vô bổ hết sức, như nhậu nhẹt, họp lớp, đánh bài… Mỗi năm ta đã đi xa gia đình, đã không thấy mặt ba mẹ mình hàng ngày mà TẾT về không ở nhà thì thật là có lỗi lắm, tệ lắm”.
Với suy nghĩ đó, bốn năm xa nhà, năm nào về quê đón TẾT, HÒA cũng ở nhà với ba mẹ, chỉ dành một phần nhỏ thời gian để đi thăm bà con, chúc Tết thầy cô, bạn bè. Nhất là những ngày trước TẾT, bạn luôn là người dọn dẹp từng góc bàn thờ, sắp đặt từng mâm trái cây, bánh, hoa… lên cúng ông bà tổ tiên.
TẾT: ĂN CHAY
THÙY TRÂM quê ở BÌNH DƯƠNG cho biết: “Gia đình mình có truyền thống là ăn chay trong ba ngày TẾT. Ngay từ hồi mình còn chút xíu đã được nghe bà ngoại dạy phải ăn chay, làm lành, lánh dữ, nhất là những ngày đầu năm. Khi lớn lên, theo ba mẹ đi chùa, nghe quý thầy giảng và nghe mẹ dạy về việc ăn chay, đại ý rằng: mấy ngày TẾT ai cũng mong được sum vầy, được an vui, hạnh phúc… thì sao mình lại làm việc sát sanh, hại vật, ăn uống thân thể loài khác. Chúng cũng sợ chết, cũng có… gia đình, cũng cần được an vui như mình, do vậy, sẽ thật vô lý nếu mình mong muốn được an vui, mạnh khỏe mà lại giết con này, con kia để ăn uống, cúng tế. Làm vậy không phù hợp với nhân quả…”.
Những điều bạn Sương nói như một bài pháp lành được các thế hệ trong gia đình bạn truyền lại cho con cháu, không chỉ bằng lời mà bằng hành động cụ thể là ăn chay, không sát sanh để cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày xuân.
Bạn NGUYỄN NAM (BIÊN HÒA - ĐỒNG NAI) thì chia sẻ rằng: “Ngày nay, khoa học chứng minh ăn chay sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy, sống theo phương châm “TẾT làm điều hay” nên mình cũng quyết định ăn chay cả tháng Giêng để góp một chút sức mình vào việc bảo vệ môi trường sống”. Nam vốn cũng là một Phật tử nên không chỉ thấy đơn giản, ăn chay là bảo vệ môi trường mà còn nhận diện được trong hành động ấy có cả một “tấm lòng từ bi”, vì “góp tay làm cho môi trường sống xanh hơn, trong lành hơn cũng là chung sức làm cho mọi người, mọi loài được bảo hộ về sức khỏe lẫn tinh thần”.
TẾT: đi chùa nhưng không hái lộc, bẻ cành
Đi chùa đầu năm dường như đã trở thành truyền thống của không chỉ Phật tử. Nhiều người chưa quy y hoặc chưa có điều kiện tìm hiểu, thực tập lời Phật dạy vẫn chọn đi chùa vào sáng mùng một Tết như một nét đẹp thể hiện sự hướng thượng, cũng là cơ hội để dâng lời cầu nguyện bình an cho gia đình, người thân, bạn bè…
Tuy nhiên, có nhiều người tới chùa lại không hiểu những ứng xử ở chốn thiền môn nên đôi khi tùy tiện bẻ những cây non, lộc biếc trong khuôn viên nhà chùa và cho đó là “lên chùa hái lộc”.
Người trẻ nói đùa theo kiểu ngôn ngữ “mạng” là “rảnh rỗi sinh nông nổi”, rằng việc đi chùa là tốt song nếu không hiểu có khi lại… tội. Phước-lộc hái đem về nhà đâu không thấy, vô tình lại gây tội phá hoại những của thuộc thường trụ Tam bảo, tức những tài sản từ cây cối đến mọi phương tiện, vật chất thuộc nhà chùa.
Quý thầy chỉ dạy: “Đó là một việc làm đáng tiếc của những người đi chùa chưa hiểu lễ nghi nên làm mất đi ý nghĩa đẹp vốn có của việc làm ấy!”.
T.H