7 pháp giúp quốc gia hưng thịnh


Trọng tâm giáo pháp của Đức Phật là tu hành hướng đến giác ngộ và giải thoát. Tuy vậy, Ngài cũng rất chú trọng đến việc xây dựng xã hội an hòa, kiến tạo đất nước phồn vinh, thiết lập thế giới hòa bình, khiến cho muôn dân an lạc.
 

Đức Phật thuyết pháp
 
Theo Đức Phật, một đất nước muốn cường thịnh thì nhân dân trong nước ấy cần hội đủ bảy điều: 1- Thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh, 2- Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau, 3- Thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ, 4- Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng, 5- Thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần, 6- Giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy, 7- Tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác.
 
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ, A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt, muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ… (liền sai đại thần Vũ-xá đến thỉnh ý Ðức Thế Tôn).
 
Lúc đó, A-nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Phật hỏi A-nan:
 
- Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh không?
 
- A-nan đáp: Con có nghe. Phật nói với A-nan:
 
- Nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan, ngươi có nghe người nước Bạt-kỳ vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?
 
- Con có nghe.
 
- Nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?
 
- Con có nghe.
 
- Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng không?
 
- Con có nghe.
 
- Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần không?
 
- Con có nghe.
 
- Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?
 
- Con có nghe.
 
- Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
- Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác không?
 
- Con có nghe.
 
- Này A-nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
 
Bấy giờ, đại thần Vũ-xá liền bạch Phật:
 
- Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.
 
Phật nói:
 
- Nên biết thời giờ.
 
Vũ-xá liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi vái chào mà lui.
 
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
 
Điều gây ngạc nhiên và thú vị cho nhiều người là trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại, cách đây hơn 25 thế kỷ mà Đức Phật đã chỉ ra cho nhân loại thấy được giá trị của dân chủ, đạo đức, thượng tôn pháp luật, tự do tín ngưỡng, bình đẳng, công bằng, văn minh… trong việc kiến tạo quốc gia độc lập, tự chủ và hùng mạnh.
 
Dân có giàu thì nước mới mạnh, dân có đoàn kết thì nước mới hùng cường. Thế nên bảy pháp giúp quốc gia cường thịnh đã cho thấy tuệ giác vô thượng của Đức Phật, những lời dạy minh triết của Ngài đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là nền tảng để xây dựng thế giới hòa bình, quốc gia giàu mạnh.
 
Quảng Tánh