Chuông thần ở chùa Pháp Vũ
Xưa thật là xưa, chùa Pháp Vũ chỉ là một cái am nhỏ, tên là am Hải Triều. Vị tổ thứ nhất của am Hải Triều tên là Đại Trí, đã dày công đúc một cái chuông đại hồng bằng đồng đen nặng hơn bảy ngàn cân treo tại lầu chuông, mỗi ngày sáng và chiều thỉnh chuông hai lần.
Tiếng chuông trong trẻo rền vang, dư âm tới cuối ngày vẫn chưa dứt, cho đến Long Vương ở Thủy Tinh cung biển Đông Hải cũng nghe thấy, suốt ngày đứng ngồi không yên, chỉ muốn dẫn một đạo binh tướng cá, tướng rùa đến ngoài bãi cát Thiên Bộ Sa bái kiến Ngài Quan Âm Bồ Tát.
Về sau có bọn cướp Hồng Mao xâm nhập Phổ Đà Sơn, đi đến đâu là cướp bóc tài vật của dân chúng đến đó. Nghe nói chuông đồng của am Hải Triều là một bảo vật, nên tên đầu sỏ của bọn Hồng Mao phái khoảng mười tên cướp lực lưỡng, hấp tấp khiêng chuông đồng lên tàu đang đậu ngoài khơi, chở về nước của chúng.
Tàu cướp về đến nước Hồng Mao, bọn giặc phải ra sức bằng hai cọp chín trâu mới khiêng nổi chuông lên bờ. Nhưng vừa đến cửa thành thì chúng làm cách nào cũng không nhấc nổi chuông đồng. Cả bọn nhốn nháo cả lên, viện binh thêm cả một đoàn người đến góp sức, làm gãy mấy cây đòn bẫy mà chuông vẫn không xê xích một tơ một hào nào.
Việc này làm chấn động toàn quốc. Vua nước Hồng Mao cũng cảm thấy lạ kỳ, bèn đích thân ra khỏi thành để nhìn tận mắt, nhưng khi ông vừa bước chân đến cửa thành thì chiếc chuông đồng tự nhiên kêu “loong coong” một tiếng và lún dần xuống đất, chẳng bao lâu bị đất bùn lấp kín.
Nhà vua bất mãn kêu người đào chuông lên, đào ngày đào đêm, không những không đào được chuông mà chuông càng ngày càng lún sâu xuống. Vua hoàn toàn cụt hứng, chỉ biết bỏ cuộc và ra lệnh từ đấy không còn ai được đào chuông nữa.
Thoáng một cái mà hơn 10 năm trôi qua, nước Hồng Mao có một vị quốc vương khác lên ngôi. Có một hôm, chỗ cái chuông bị chôn đột nhiên vang lên tiếng “đinh! đoong!” ngày đêm không ngừng, khiến cho người Hồng Mao sợ hãi hoảng hốt. Vị quốc vương mới đứng ngồi không yên, vội vàng hạ lệnh đào chuông thần lên:
– Phải đào chuông thần lên!
Người Hồng Mao đổ về từ bốn phương tám hướng. Cửa thành trở nên chật ních, người đông như kiến. Già trẻ lớn bé đều một lòng cầu nguyện thượng đế bảo hộ cho họ bình an, một mặt nguyền rủa bọn cướp biển đã cướp chuông thần về.
Cuối cùng, chuông lớn được đào lên rồi, trên mặt chuông có khắc rõ ràng bảy chữ “Nam Hải Phổ Đà am Hải Triều”. Vị quốc vương mới đã mời đến vài chục người tu đạo của họ, ngày đêm thay phiên nhau khấn vái, nhưng tiếng chuông rền vang trong trẻo vẫn không chịu ngừng. Vị quốc vương này mới nghĩ rằng nếu giữ chuông trong nước mãi thì cả nước sẽ phỉ nhổ ông, vì thế quyết định trả chuông về xứ sở. Nhưng cái chuông ngàn cân như thế, làm sao chở về nổi? Quốc vương và quần thần trong triều ai cũng lo âu phiền não.
Có một nhà buôn người Phúc Kiến, đúng lúc ấy đang ở nước Hồng Mao buôn bán. Khi biết được tin này, ông vội vàng xin yết kiến quốc vương, và trình bày ý nguyện phụ trách việc chở chuông thần về cố hương. Quốc vương rất vui mừng, lập tức gọi một vị đại thần đưa ông đi đến chỗ chuông thần. Ra tới ngoài cửa thành, nhà buôn Phúc Kiến chạy đến xem thì quả nhiên thấy đây là thần khí nhà Phật của nước mình, lập tức quỳ xuống, thành tâm khấu đầu đảnh lễ ba lần, đầu đập xuống đất thật kêu. Tiếng chuông thần bỗng nhiên ngừng bặt, người Hồng Mao đứng nhìn xung quanh reo hò hoan hô từng đợt.
Các vị thầy của am Hải Triều nghe nói đã tìm được chuông thần về, vội vàng xuất công xây một lầu chuông mới. Nhà buôn Phúc Kiến hộ tống chuông thần, vượt trăm sông ngàn núi mới về tới Phổ Đà Sơn.
Ngày chuông thần về tới là ngày lầu chuông cũng vừa xây xong, tất cả các thầy của am Hải Triều đều ra sức, người kéo kẻ khiêng, treo chuông thần lên lầu chuông mới.
Tiếng chuông trong trẻo của am Hải Triều lại vang rền trở lại trong khắp đảo từ đấy.