Quảng Nam: Xây dựng “ngôi chùa ở vùng đất Ba Sông”


Điện Hồng vùng đất ba sông
Tình sâu nghĩa nặng thắm nồng cội quê
Dẫu đi xa, lòng vẫn về
Sông xưa soi bóng bộn bề nhớ thương
 Phối cảnh chùa Hồng Đức
Vùng đất Điện Hồng trải dài trên diện tích 1.600 ha, nằm dọc hai bên tỉnh lộ 609 (trước đây là đường 100) nối từ thị trấn Vĩnh Điện lên Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Điện Hồng được gọi là vùng đất ngã ba sông vì nó được bao bọc bởi 3 con sông: phía nam là sông Thu Bồn, phía bắc là sông Bình Phước và phía tây là con sông Yên. Điện Hồng hôm nay là vùng đất của 2 xã Điện Xuân và Điện Văn thời chống Mỹ. Trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử người dân Điện Hồng vẫn giữ trọn truyền thống cần cù chịu thương chịu khó trong lao động, bình dị chất phác trong cuộc sống cũng như rất đổi kiên cường gan dạ trong đấu tranh với kẻ thù. Mỗi tấc đất nơi đây đều gắn liền với bao nhiêu sự kiện trong các giai đoạn từ thăng trầm đến hưng thịnh đã góp phần làm nên tính cách con người của vùng đất: “… chưa mưa đà thấm”.

Từ hoang tàn đổ nát của “vành đai trắng” năm xưa, Điện Hồng trong những năm qua đã thay da đổi thịt. Cánh đồng quê chảy máu ngày nào giờ đã thành vựa lúa trọng điểm của thị xã Điện Bàn. “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại tiếp tục làm đẹp cho cuộc đời”; Chính vì thấm nhuần tư tưởng ấy mà vùng đất ngày nay luôn  nổi bật trong lịch sử xứ Quảng Nam.

Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, người dân Điện Hồng vẫn canh cánh về một ngôi Tam Bảo cho vùng đất này ngõ hầu làm nơi nương tựa tâm linh và tu học cho bản thân. Những ngày sóc vọng, bà con đã khăn gói đạp xe lên một ngôi chùa tận Đại Hoà – Đại Lộc đễ đãnh lễ Đấng Từ Phụ, tụng kinh bái sám. Mỗi lần muốn tham vấn thêm về giáo lý Phật Đà người dân nơi này hoặc về Vĩnh Điện, hoặc xuống Hội An có khi vượt đường dài về Tam Kỳ…
 Quyết định của UBND tỉnh cho phép thành lập cơ sở tôn giáo
 Quyết định của BTS tỉnh thành lập chùa Hồng Đức
 Giấy phép xây dựng
Thấu hiểu nỗi lòng của người dân nơi đây, trong nhiệm kỳ 2012 – 2017 Hoà thượng Thích Thiện Duyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam đã một mặt động viên bà con Phật tử tín tâm tin tưởng vào sự gia hộ của Tam Bảo, một mặt Hoà thượng đã tìm mọi cách tác động đến Ban Tôn giáo và UBND tỉnh. Kết quả thật đáng khích lệ, ngày 22/07/2014 UBND tỉnh đã ký quyết định số 2286/QĐ-UBND chấp thuận cho người dân nơi này thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc GHPGVN tỉnh Quảng Nam và tiếp theo quyết định này ngày 11/08/2014 Hoà thượng Trưởng Ban Trị sự tỉnh đã ký quyết định số 169/QĐ-BTS cho phép thành lập Chùa Hồng Đức toạ lạc tại xã Điện Hồng. Từ đó đến nay do chưa có địa điểm nên chùa đặt tạm tại nhà bà Phạm Thị Mai thôn Lạc Thành do sư cô Thích nữ Bửu Thành tạm thời hướng dẫn bà con tu học.

Từ cuối năm 2014 đến năm 2017 hơn 2 năm một ít là khoảng thời gian không dài cho việc tìm một khu đất phù hợp và vận động tài chính, Sư cô Bửu Thành và bà con Phật tử nơi đây đã chọn mãnh đất tại thôn Đa Hoà Nam để xây dựng ngôi Già Lam.
 
Rút kinh nghiệm từ nhiều ngôi chùa do kinh phí hạn hẹp nên xây dựng tạm bợ không phù hợp với kiến trúc một ngôi chùa, sư cô trụ trì Thích nữ Bửu Thành đã tham vấn Chư tôn thiền đức tăng ni và các nhà kiến trúc lên phương án hình thành quy hoạch tổng thể cho không gian không những tâm linh mà còn hài hoà về văn hoá với môi trường xung quanh.

Trong buổi trò chuyện qua điện thoại sư cô trăn trở: Không phải vì không đủ tài chánh mà ta cứ làm tạm, cứ chắp vá để rồi khi cần mở rộng hay thay đổi lại phá bỏ cái cũ, như vậy sẽ lãng phí của thập phương đã hiến cúng. Chính vì điều đó cô muốn có cái quy hoạch tổng thể để hôm nay ta làm được cái nào chắc cái đó, cái nào chưa đủ duyên thực hiện ta để đó thời gian sau hoặc người về tiếp quản tiếp tục. Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Tam Bảo mà còn nơi để bà con giữ gìn hồn dân tộc như 2 câu thơ của thiền sư Mãn Giác khi mà hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình không còn hiện hữu:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
 
 
Nhận được thiệp mời về dự lễ đặt đá xây dựng chùa vào ngày 22/03/2018 (06/02/Mậu Tuất) người viết không khỏi bồi hồi trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo: Mừng vì từ đây vùng đất ngã ba sông đã có ngôi Phạm Vũ cho bà con chiêm bái lễ lạy; lo vì tổng thể và kinh phí xây dựng đè nặng lên đôi vai gầy của vị sư trẻ và người dân nơi vùng lúa nước này.

Ngưỡng mong chư Phật từ bi gia hộ, kính mong quý thiện nam, tín nữ chung tay góp sức cùng vị sư trẻ ở ngôi chùa quê hoàn thành tâm nguyện.

Quảng Chuyên