Tết Chôl Chnăm Thmay – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Ngoài lễ hội lớn như Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer còn có các lễ hội lớn khác như Senl Dolta (tưởng nhớ công ơn các bậc sinh thành, tri ân tổ tiên), Ok Om Bok (lễ Cúng trăng). Lễ Chôl Chnăm Thmây còn gọi là lễ Vào năm mới là một trong những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã và đang được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị.
Theo Phó Giáo sư Ngô Văn Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Chôl Chnăm Thmây nghĩa là Lễ Vào năm mới, Tết cổ truyền hằng năm của người Khmer, thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Vào thời điểm này, trời nóng bức, thỉnh thoảng vẫn có một vài cơn mưa rào báo hiệu mùa mưa sắp tới. Vì thế, sau một mùa khô hạn, gặp mưa, cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Đối với đồng bào Khmer, Chôl Chnăm Thmây không chỉ là lễ Vào năm mới, mà sâu xa hơn chính là lễ mừng chấm dứt mùa nắng hạn để bước sang mùa mưa, chuẩn bị vụ mùa mới. Ngoài ra, như ở nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á khác, lễ Vào năm mới của đồng bào Khmer còn là thời kỳ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí khi mùa màng đã thu hoạch xong.
Cùng với lễ hội Ok-Om-Bok, Sene DoHa, Chôl Chnăm Thmây là một trong ba lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Khmer Nam Bộ. Theo tiếng Khmer, Chôl nghĩa là vào và Chnăm Thmây là năm mới. Vì vậy, Chôl Chnăm Thmây còn được gọi là Tết cổ truyền, như Tết Nguyên đán của người Kinh.
Tết Chôl Chnăm Thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16/4. Cũng như Tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chôl Chnăm Thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chôl Chnăm Thmay của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm cho biết, các hoạt động lễ hội của Tết Chôl Chnăm Thmây phần lớn được tổ chức tại chùa và kéo dài trong ba ngày, nếu là năm nhuận kéo dài bốn ngày, mỗi ngày Tết có tên gọi khác nhau.
Ngày thứ nhất (Chol Sang Kran Chmay), còn gọi là ngày làm lễ rước Đại lịch. Trước khi đến chùa, đồng bào Khmer tắm gội, mặc quần áo đẹp, đem theo nhang (hương) đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước Maha Sâng Kran. Maha Sâng Kran là một quyển lịch, tạm gọi là Đại lịch, do các vị Đại đức thông hiểu khoa thiên văn soạn dùng trong một năm. Trong ngày đầu tiên của năm mới, rước Đại lịch được cho là nghi thức quan trọng nhất. Những người không kịp đến chùa lúc rước Đại lịch thì sau đó có thể cùng mọi người đến để nghe các sư thuyết pháp, cúng dường năm mới.
Ngày thứ hai (Virak Wanabat) còn gọi là “Pun Phrôm Khoach” – ngày làm lễ dâng cơm và đắp núi cát, nếu là năm nhuận thì có hai ngày Won-bât. Giống như ngày đầu tiên, đồng bào Khmer tiếp tục mang cơm, thức ăn đến dâng cúng các sư và cùng nhau đắp núi cát theo sự hướng dẫn của achar hay các vị sư. Theo quan niệm của người Khmer, núi cát tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Vì thế, đắp núi cát càng cao thì sẽ tích được nhiều phước lành, xua đi điều ác.
Ngày thứ ba (Tngay Leang Saka), là ngày làm lễ tắm tượng Phật. Các sư sẽ là người thực hiện nghi thức tắm tượng Phật đầu tiên, trong lúc tắm Phật, họ sẽ tụng kinh để thể hiện sự tôn kính và tưởng nhớ đến Phật. Người dân sẽ tắm cho những tượng Phật đặt bên ngoài trời. Họ tin rằng nghi thức này không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với đức Phật mà nó sẽ giúp rửa sạch những bụi bẩn, những điều không may ở năm cũ để bước sang năm mới với một thân thể hoàn toàn mới.
Cùng với dòng chảy của thời gian, phong tục mừng năm mới của người Khmer có ít nhiều biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng các nghi thức chính vẫn được bà con dân tộc tiếp tục giữ gìn. Trong những ngày Tết, các gia đình Khmer đều dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống, mặc những bộ quần áo mới… đi thăm hỏi và chúc Tết lẫn nhau.
Hòa thượng Tăng Nô, Hội phó Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Kh’ leang cho biết, Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer đều theo Phật giáo Nam tông Khmer. “Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng và đồng bào dân tộc Khmer luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa truyền thống đón Tết thật vui tươi, an toàn; đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả”. Hội vận động đồng bào Phật tử tích cực tham gia vào việc phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và hăng hái thi đua lao động, học tập để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn” – Hòa thượng Tăng Nô nhấn mạnh.
Bảo tồn, quảng bá nét đẹp văn hóa
Những năm qua, nhiều di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của đồng bào Khmer ở Nam Bộ luôn được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá thông qua nhiều hoạt động như, nghiên cứu, hội thảo, tổ chức lễ hội, liên hoan biểu diễn nghệ thuật, thể thao truyền thống với quy mô lớn.
Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang – nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều chú trọng bảo tồn, phát huy và quảng bá nhiều nét đẹp về phong tục, nghi lễ, ẩm thực, sản phẩm làng nghề, loại hình nghệ thuật truyền thống liên quan đến lễ hội lớn của đồng bào như Chôl Chnăm Thmây, Senl Dolta, Ok Om Bok…
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trà Vinh: Tỉnh luôn coi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có đồng bào Khmer, là nền tảng to lớn để hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình du lịch chuyên đề di sản để giới thiệu tới du khách. Nói cách khác, di sản văn hóa các dân tộc, trong đó dân tộc Khmer đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo, hình thành nên “trải nghiệm du lịch” độc đáo dành cho du khách đến với Trà Vinh.
Hiện nay, Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh (nằm trên địa bàn thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành) được quy hoạch là một khu phức hợp gồm nhiều hạng mục như: Khu văn hóa tâm linh, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu trưng bày quà lưu niệm, đặc sản Trà Vinh, nơi vui chơi, tổ chức văn nghệ, sự kiện… Đây chính là nơi du khách có thể tìm hiểu nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer, nghi thức, phong tục diễn ra trong dịp Chôl Chnăm Thmây, Senl Dolta, Ok Om Bok, góp phần lan tỏa hình thức du lịch cộng đồng, bảo tồn và giới thiệu văn hóa Khmer đến với đông đảo du khách.
Chị Đinh Thị Diệu ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Chôl ch-năm” là câu nói quen thuộc của người Khmer giống như người Việt nói “ăn Tết” và được các thế hệ người Khmer duy trì, gìn giữ. Vào mỗi dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, gia đình Diệu lại sum vầy bên nhau. Mọi người cùng trang hoàng nhà cửa, dành thời gian đi chúc Tết ông bà, lên chùa làm lễ, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Để chuẩn bị cho ngày Tết, trước đó các gia đình sẽ làm nhiều loại bánh truyền thống như bánh Tét, bánh nước tro, bánh gừng, bánh dừa… Với những người trẻ như Diệu, Tết Chôl Chnăm Thmây luôn im đậm trong tiềm thức và Diệu luôn tự hào giới thiệu tới bạn bè về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Hòa chung mạch suối nguồn văn hóa 04 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa ở An Giang, bà con đồng bào Khmer luôn giữ được những giá trị truyền thống, mối gắn kết, sống chan hòa, nghĩa tình trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đã góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh em của Dân tộc Việt Nam