Vị hiền thần và nhà vua bạo ác


Ngày xưa có một ông vua bạo ác, bị nhiều người oán thán. Lời oán thán đến tai vua, vua không tra xét kỹ càng, nghe theo lời xu nịnh của một hoạn quan, vội vàng bắt ngay một hiền thần, ra lệnh cắt một lát thịt to trên lưng người ấy.

Một thời gian sau, có người chứng minh rằng hiền thần nọ vô tội. Vua vô cùng hối hận, bèn ra lệnh mang hai lát thịt to đến bồi thường cho vị hiền thần. Nhưng hiền thần ấy vẫn ngày đêm kêu đau. Vua ngạc nhiên hỏi:

– Trẫm đã ra lệnh bồi thường gấp đôi cho ông ta, tại sao ông ta vẫn kêu đau?

Một đại thần bước ra tâu:

– Nếu bệ hạ cắt đầu thần, sau đó mang đến một ngàn cái đầu khác thì thần cũng không sống lại được. Dù bệ hạ có bồi thường gấp ngàn lần cho ông ấy thì thịt trên lưng đã bị cắt, không làm sao bù lại được. Vết thương vẫn chưa lành, dĩ nhiên là ông ta phải đau nhức.

Trích “Bách Dụ kinh”

Lời bàn:

Khi làm việc gì có lỗi, muốn lấy công chuộc tội cũng có thể được, nhưng phải thành tâm thành ý và có phương pháp phù hợp, không thể như ông vua u mê kia lấy thịt bù vào vết thương của vị trung thần. Mặt khác, câu chuyện cũng khuyên chúng ta khi làm việc gì cũng phải đắn đo cân nhắc, hoặc nghe lời từ một phía, đừng nghe lời của kẻ bợ đỡ xu nịnh, phải sáng suốt nhìn nhận vấn đề, có như vậy mới không gây ra những tổn thất không gì bù đắp được.