Thông tin văn hóa, phật pháp, cập nhật tin tức, hoạt động Ban VHTW GHPGVN.
Thứ tư, Ngày 18/12/2024
Sự kiện
TP.HCM - Thực Hiện Biểu Diễn Vở Kịch Về Thiền Sư Tông Diễn
Chủ nhật, 08/12/2024 - 07:13:08 1,093
Hướng đến đại lễ Vesak 2025, nhằm ôn lại chân dung đạo hạnh của vị Thiền sư danh Tăng đã góp lớn phần cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài đạo nghiệp, cuộc đời của Thiền sư Tông Diễn, người còn là tấm gương sáng về hạnh hiếu, được nhân gian gọi với cái tên dân dã là “Hòa thượng Cua”.
Vào lúc 19h-22h ngày 7/12/2024 đã diễn ra buổi biểu diễn vở kịch về Thiền Sư Tông Diễn tại nhà hát Trần Hữu Trang, Tp Hồ Chí Minh. Quang lâm chứng minh và tham dự có Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, cùng chư Tôn đức Phó Trưởng ban Văn Hóa có; TT. Thích Minh Tiến - TT. Thích Lệ Trí, cùng chư Tôn đức Thường trực và văn phòng Ban Văn hóa Trung ương; TT. Thích Quảng Minh, TT. Thích Minh Liên, ĐĐ Thích Phước Huệ, ĐĐ. Thích Tuệ Minh, NS. Thích Nữ Minh Từ, SC. Liên Thảo, Cư Sĩ Lý Huệ Minh Thường trực Ban Văn hóa Trung ương. Chư Tôn đức thành viên Ban văn hóa Phật giáo TP. HCM có SC. Thích Nữ Như Tâm, chư Tôn đức trụ trì các tự viện trong và ngoài thành phố đồng chứng minh tham dự. Đại diện tác giả của vở kịch; có ông Bùi Hữu Dược nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo ban Tôn giáo chính phủ; các diễn viên tham gia trong vở kịch có: Nghệ sĩ Nhân dân Mỹ Hằng, Nghệ sĩ ưu tú Đào Vũ Thanh, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bình, Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nghệ sĩ Dương Thị Kim Tiến, Nghệ sĩ Tô Tấn Loan, Nghệ sĩ HạThảo, Nghệ sĩ Hiền Linh, Nghệ sĩ Nguyễn Quang.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN phát biểu khai mạc; HT, nhắc lại nền văn hóa Phật giáo Việt Nam vật thể và phi vật thể, với trách nhiệm tổ chức và triển khai xây dựng các đề án Pháp phục, khóa tụng thống nhất (ngôn ngữ), kiến trúc, di sản thống nhất trong da dạng, kho tàng phi vật thể ngoài Kinh điển Giới Luật, đạo đức, lối sống…thì còn có những hình thức đưa đạo vào đời, chúng ta có thể thông qua nghệ thuật để nói lên tinh thần đó. Nhân đại lễ Vesak 2025, chúng ta cần có những điều kiện tạo nên những vở diễn đưa nội dung Phật giáo có thật trong nền lịch sử Việt Nam, vở kịch Thiền sư Tông Diễn này do Nghệ sĩ, Cư sĩ Tuệ Quang và Ts. Bùi Hữu Dược cùng viết nên rất ý nghĩa. Chúng ta cùng xem để cảm nhận sự sâu sắc với cuộc đời hành đạo của Thiền Sư đem lại gương sáng của nền lịch sử Phật giáo Việt Nam Ts. Bùi Hữu Dược nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo chính phủ phát biểu; Ngài Tông Diễn là người Việt có một không hai đã can thiệp, cảm hóa đến đức vua thấy lỗi sai mà sám hối, và đã tạo tượng vua cõng Phật hiện nay vẫn còn ờ chùa Hòe Nhai, di tích còn đó. Qua đây cũng muốn nói lên hình ảnh công hạnh tuyệt vời của Thiền sư là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.
Chân Dung Tông Diễn (chữ Hán: 真融宗演, 1638–1709 hoặc 1640–1711), còn có hiệu là Đại Tuệ Quốc sư, là Thiền sư Việt Nam đời Lê Trung Hưng. Ông thuộc đời pháp thứ 32 tông Tào Động, là pháp tử của Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt và được tôn xưng là Tổ sư đời thứ hai của Thiền phái Tào Động Bắc Việt. Cuộc đời hoằng pháp của Ngài đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển Thiền phái Tào Động ở Đàng ngoài cũng như công lao giải cứu Phật giáo Đàng ngoài khỏi pháp nạn diệt vong dưới thời Vua Lê Hy Tông 1. Thân thế
Theo sách Tào Động Tông Nam Truyền Tổ Sư Ngữ Lục do Thượng tọa Thích Tiến Đạt biên dịch thì ghi năm sinh của ngài là 1638. Ngài thế danh là Tưởng Đình Khoa, quê ở xã Hương Ngãi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Nay là thôn Hương Ngãi, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Tương truyền, Tưởng Đình Khoa sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ Ngài tần tảo buôn bán ở chợ để nuôi Ngài khôn lớn. Đến năm 12 tuổi, có lần, người mẹ ra chợ bán hàng, giao cho cậu bé một giỏ cua rồi dặn giã ra nấu canh làm thức ăn trưa. Khi cậu bé thấy chúng tuôn ra những hạt bọt như đang khóc, vì thương chúng nên không nỡ giết mà thả đi. Đến trưa mẹ cậu về biết chuyện nên cầm gậy đuổi đánh, do sợ hãi nên cậu chạy đi trốn, kể từ đó hai mẹ con xa cách nhau. Trên đường đi cậu bé Khoa gặp được một vị Sư Cụ, qua thăm hỏi cậu được vị này đem về chùa nuôi, cho xuất gia làm chú tiểu.
2. Nhân duyên ngộ Đạo
Khi Ngài Tông Diễn đang trú tại một ngôi chùa ở Đông Sơn thì nghe tin Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt đắc đạo bên Trung Quốc vừa trở về nước (khoảng năm 1668) và đang hoằng pháp tại chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, Ngài liền lên núi yết kiến.
Thiền sư Thông Giác thấy Ngài bèn hỏi: “Như khi ta đang nghỉ ngơi, đợi đến bao giờ có tin tức?”
Ngài đáp: “Đúng ngọ thấy bóng tròn, giờ Dần mặt trời mọc.”
Sư Thông Giác hỏi: “Bảo nhậm thế nào?”
Ngài đáp bằng bài kệ:
應有萬緣有 (Ưng hữu vạn duyên hữu)
隨無一切無 (Tuỳ vô nhất thiết vô)
有無俱不立 ( Hữu vô câu bất lập)
日耿本當晡 (Nhật cảnh bản đương phô)
“Cần có muôn duyên có
Ưng không tất cả không
Có không, hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.”(…)
Sư Thông Giác bước xuống nói: “Tào Động hợp với quần thần, ngày sau nối thịnh dòng pháp của ta, vì vậy ban cho ngươi pháp danh là Tông Diễn.” Và nói kệ ấn khả:
“Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt”
Sau khi đắc pháp, Ngài luôn hầu hạ bên cạnh Thiền sư Thông Giác và siêng năng tham học. Năm 32 tuổi, Ngài thọ giới Cụ túc rồi xin phép Thiền sư Thông Giác đi tham vấn các nơi. 3. Cảm hóa vua, cứu nạn Phật Giáo
Năm 1678, Vua Lê Hy Tông truyền lệnh cho tất cả các quan huyện, phủ, châu ở khắp nơi rằng: “Bất cứ nơi nào có Tăng Ni trụ trì, nhất loạt đều đuổi hết vào rừng núi.” Ngài thấy vậy đau đáu trong lòng, nghĩ rằng đạo Phật vốn là viên ngọc quý của quốc gia, vì sao vua lại cho rằng đạo Phật là vô dụng rồi phát tấm lòng Bồ tát, vì muốn giải cứu pháp nạn cho Phật giáo nên quyết định sẽ vào kinh thành khuyên vua. Ngài đảnh lễ Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt để xin phép và được chấp thuận.
Ngài đi bộ vào kinh thành ba tháng nhưng vẫn chưa vào cung khuyên được vua, nhiều lần nhờ người dâng sớ xin vào nhưng vua không chấp nhận. Ngài bèn viết một tờ biểu, trong đó bàn về các nội dung như phương pháp tu thân trị quốc, đạo lý và vai trò của Phật pháp đối với dân tộc, quốc gia...để vào trong một cái hộp niêm phong lại. Rồi nhờ vị quan đề lĩnh kể trên vào trong cung thưa với vua chọn lấy một vị quan thanh liêm, trung thực tắm gội ăn chay giữ giới trong ba ngày xong sẽ giao cho vị quan cái hộp có đựng “viên ngọc quý” vào dâng vua. Nghe xong vua rất cảm phục và khen rằng: “Chẳng ngờ vị Thiền sư ở nơi thôn dã lại có tài biện minh đến thế, có thể cho gặp mặt một lần để xem thật giả thế nào.” Quan đề lĩnh theo lệnh mời Ngài vào cung, vua cung kính hỏi kế sách trị quốc, đạo lý, Thiền sư đối đáp đều dung thông, trôi chảy. Vua bèn phán rằng: “Đạo Phật là viên ngọc minh châu của cả nước, há lại không sử dụng hay sao? Các vị Tăng có thể khuyên răn mọi người làm điều thiện, vì sao lại bỏ xa? Chẳng bằng cho phép làm việc khai đạo giáo hóa cũng là phương tiện tốt bổ trợ cho sự cai trị.” Kể từ đó, các vị Tăng Ni được bãi bỏ lệnh cấm.
Để tỏ lòng sám hối lỗi trước của mình với đạo Phật, vua cho tạc bức tượng một vị vua quì mọp trên lưng đang cõng tượng Phật. Tượng này hiện đang được thờ ở chùa Hồng Phúc. Vua Lê Hy Tông mời Thiền Sư lưu trú tại chùa Báo Thiên ở kinh thành để cầu nguyện cho quốc gia được thịnh vượng. Sau lại mời trụ trì ở chùa Khán Sơn để tiện thưa hỏi Phật pháp.
Năm 1704, Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt biết mình sắp tịch nên cho người gọi ông về để dặn dò, truyền trao y bát. Ngài kế thừa Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt trở thành Tổ sư đời thứ hai của Thiền phái Tào Động Việt Nam.
4. Báo hiếu mẫu thân theo tinh thần Phật giáo
Năm Ngài 40 tuổi, một lần tọa Thiền Ngài bỗng nhớ về người mẹ xưa, rồi về quê tìm mẹ và gặp được một bà cụ bán nước ở đầu làng, dò hỏi thì biết bà chính là mẹ ruột của mình nhưng Ngài không cho bà biết thân phận. Rồi mời bà về chùa làm công quả, cất am cho bà tu và được bà đồng ý. Trong thời gian bà cư trú tại chùa, Ngài thường ân cần thăm hỏi bà cụ và dạy bà tụng kinh, niệm Phật. Đến khi bà cụ yếu sắp mất, Ngài vì có việc phải đi nên dặn Tăng chúng trong chùa nếu bà mất nhớ lo hậu sự chu đáo cho bà và phải đợi Ngài về mới được đóng nắp quan. Đúng như ông dự đoán, ba hôm sau khi Ngài đi thì bà cụ mất. Lúc về tới nơi, Ngài đến chổ đặt quan tài của bà cụ, cầm tích trượng gõ vào quan tài ba cái rồi hô to như lời Phật dạy: ‘Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sinh thiên’, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật. Hô xong, quan tài bà cụ bỗng nhiên bay lên hư không rồi từ từ hạ xuống mặt đất. Nhân đây mọi người mới vỡ lẽ bà cụ chính là mẹ Ngài, ai nấy cũng cảm phục lòng hiếu thảo khó nói của Ngài. Bởi vì nếu tiết lộ thân phận mình là con trai ruột của bà cụ, bà có thể sẽ vì quyến luyến con mà khó lòng tu tập, buông tay ra đi một cách nhẹ nhàng được.
Sau này, tại chỗ quán trà của mẹ, Ngài lập một ngôi chùa và đặt tên là “Mại Trà Lai Tự”. Còn am nơi bà từng ở Ngài đề tên là “Dưỡng Mẫu Đường”.
5. Những ngày tháng cuối đời: Sắp đến lúc thị tịch, Ngài gọi đệ tử nối pháp là Từ Sơn Hạnh Nhất đến và khai thị rằng: “Gió từ thổi mạnh cuốn sạch mây mù, vầng mặt trời trí tuệ sáng ngời, gió lành thổi mát trong triều ngoài nội, nhưng không hề trụ trước, vì không cũng hoàn không. Trước sau như một cho ngươi hiểu rõ ba điểm hiển mật, cho ngươi giữ lấy trung đạo, ra đời độ người nay cũng như xưa, trời Tây, cõi Đông đạo vốn như nhau.” Rồi Ngài nói kệ[1] phó chúc xong ngồi kiết già mà thị tịch, thọ 72 tuổi, vào ngày 16 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1709 hoặc 1711) triều Vua Lê Dụ Tông, vua ban thụy hiệu là Đại Thừa Bồ Tát. Đệ tử làm lễ trà tỳ và xây hai ngọn tháp ở giữa núi Hạ Long (Quảng Ninh) và đầu núi Nhẫm Dương (Hải Dương) để an trí xá-lợi.
Hơn một giờ vở kịch đã chuyển tải nội dung vô cùng sâu sắc: bằng tài năng, đạo hạnh, Thiền sư Tông Diễn khởi xướng tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân phụng sự, đã hóa giải pháp nạn của Phật giáo trước nguy cơ diệt vong, “hoằng dương”, làm rạng rỡ ánh sáng của đạo pháp, nhờ đó Phật pháp bình an, xã tắc yên ổn.
Vở diễn thành tựu xuất sắc ngoài nhờ vào tâm huyết và tài năng của các nghệ sĩ ra còn có sự tài trợ giúp đỡ từ; Ban Giám đốc công ty du văn hoá Hưng Long, Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Phật tử chùa Giác Ngộ, Ông Nguyễn Thái Tĩnh; Bà Huỳnh Lê Ry-Na (Công ty trang sức đá quý phong thuỷ RYNAGEMS), Ông Trần Văn Nghĩa – Bộ Ngoại giao, Bà Ngô Thị Thanhh Tâm – Nghệ nhân Trà sư Quốc tế, Phật tử Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phật tử Dương Thị Tuyết Anh, MC Gia Luật.
hình ảnh ghi nhận được tại buổi diễn kịch:
*Ngoài vở cải lương về thiền sư Tông Diễn còn có thêm chương trình đấu giá các vật phẩm, tác phẩm ủng hộ chương trình lũ lụt ở miền Bắc
Liên Thảo Ban Văn hoá Trung ương Phân ban Công nghệ & Thông tin