Kiến trúc Phật giáo đang mất phương hướng


Ồ ạt xây chùa to
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó trưởng ban thường trực Ban Văn hóa T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, đã đọc thơ khi phát biểu tại tọa đàm: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Nhưng rồi cũng chính ông thừa nhận hiện nay đang có sự mất phương hướng trong việc gìn giữ mái chùa. “Gần đây chúng tôi thấy có cái mất định hướng. Một số ngôi chùa xây dựng theo mô típ xa lạ nào đó, chẳng phải theo truyền thống của VN”, ông nói.
Hiện tại, Giáo hội Phật giáo VN đang có chương trình để định hướng kiến trúc. Việc này sẽ được thực hiện cùng với sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn ở Hội Kiến trúc sư và Viện Bảo tồn di tích.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết ở miền Trung có ngôi chùa rất to nhưng “không có tí VN nào cả”. Cũng theo ông, ngay ở Thanh Trì (Hà Nội) hay Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có hai ngôi chùa “copy” từ kiến trúc của Bhutan và Tây Tạng. Thậm chí, tại đại lễ Vesak 2014, ông còn bị bạn bè quốc tế hỏi có phải một ngôi chùa tại VN là do người Trung Quốc xây không. “Nếu chúng ta phát triển theo kiểu đó thì di sản Phật giáo VN và truyền thống của dân tộc VN sẽ như thế nào?”, ông nói.
GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, lại nói đến việc nhiều chùa tùy tiện sửa. “Họ mua gạch men Trung Quốc ốp lát nhà vệ sinh vào ốp bệ tượng, mua gạch mới lát chồng lên gạch Bát Tràng ở nền chùa cũng như ngoài sân. Những kiểu như thế rất phổ biến”, ông Bình nói. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL lại chia sẻ việc đưa tượng bừa bãi vào chùa. Có chùa còn làm cả “vạn lý trường thành” ở trong.
Ông Nguyễn Đình Thành, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, đề cập chuyện nhiều chùa xây rất to dù kinh phí không đủ để xây to như vậy. Viện ông khảo sát và thấy có nhiều công trình xây dang dở như thế. Sau đó, nhiều trụ trì phải kêu gọi quyên góp để hoàn thành.
Ông Thành còn đặt câu hỏi trước tình trạng chùa xây mới “diễn ra ồ ạt”: “Nhìn vào số lượng chùa, quy mô công trình chúng ta đã xây dựng rất nhiều, liệu vài trăm năm nữa người đời sau có thể nói Phật giáo VN vào thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 là “hưng thịnh” không?”.

Mẫu quy chuẩn kiến trúc cho chùa
GS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, đặt vấn đề về xu hướng xây mới chùa: “Có ý kiến nói cần một mẫu chùa. Cũng có ý kiến cho rằng nên làm bộ từ điển về thành phần kiến trúc của các hệ phái Phật giáo khác nhau. Bộ từ điển như là thành phần để lắp ghép, thí dụ như mái, thân, bệ và kể cả những chi tiết. Cái này giống như người Nhật làm, người ta có quy tắc và có thể lắp ghép được. Việc làm này phản ánh cả tính dân tộc nhưng vẫn hiện đại”.
Về việc nên có mẫu chùa cho việc xây mới không, ông Thành cho rằng không nên. “Cá nhân tôi cho rằng không thể có thiết kế điển hình được, vì đó là sự rập khuôn và như vậy chúng ta không có sự phát triển. Nếu có mẫu chúng ta không thể có chùa Một Cột được. Đó là cách thức phát triển sáng tạo so với kiến trúc cũ”, ông nói.
Ông Thành đặt vấn đề xem lại việc quy hoạch đất cho công trình tín ngưỡng tôn giáo xây mới. “Chúng ta mới chỉ quy hoạch những di tích đã có rồi xây mới trong đó, có thể thêm vùng đệm. Nhưng với đất mới hoàn toàn trong các đô thị thì chúng ta không có. Thế thì có cần bổ sung loại đất đó không? Trách nhiệm của ai?”, ông Thành nói.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Tiến Thuận cho rằng khi thiết kế có thể sử dụng các yếu tố truyền thống để làm ra các bản mới cho chùa. Ông nhấn mạnh nhu cầu hiện nay của chùa cũng khác xưa. “Chính điện ngày xưa ít người đến thì không gian bé nhưng ngày nay kể cả những người trẻ đi du lịch cũng đến. Từng đó không gian thì không đủ được. Do vậy phải cải tiến không gian chứ không thể bé tí được. Vì thế, kích thước hình học phải thay đổi”, ông nói.