Trong cõi mênh mông


Mẹ tôi có một niềm tin vô hạn với Đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Đó là một niềm tin thuần khiết, cái mà người ta thường hay gọi chung chung là niềm tin dân gian.
 
 
Tin nhưng không hiểu mình tin cái gì, đối tượng mình tin là ai, ý nghĩa sâu xa của hình tượng ấy như thế nào - một niềm tin như thế ngự trị trong lòng của nhiều người bà, người mẹ quê tôi. Có thể đó là điều không mấy thích thú đối với những người có đầu óc duy lý hay các nhà Phật học mang tư tưởng bảo thủ. Tin thì phải hiểu mới tin đúng được, tin thì phải biết đối tượng mà mình đặt niềm tin là như thế nào mới phải! Thì rõ ràng như vậy. Nhưng nuôi dưỡng một niềm tin mộc mạc như mẹ, như bà, như vô vàn những người phụ nữ gần gũi quanh tôi thì có sao?
 
Ở nơi một thứ niềm tin như vậy, có đôi khi, tôi nhận ra sức mạnh lớn lao vô cùng, động lực mạnh mẽ vô tận. Sức mạnh và động lực ấy phần nào góp lại để tạo nên tinh thần đủ để chống chọi mọi giông bão, đương đầu với đủ khổ cực… mà cuộc đời đưa đẩy đến với họ. Đôi lúc, tôi lờ mờ nhận ra, hình như chính thứ sức mạnh của tinh thần, như mạch ngầm luân lưu sâu thẳm trong những người phụ nữ mới chính là cái giúp họ đủ khả năng vượt qua nghịch cảnh, nguy nan để vững lòng mà bước tiếp.
 
Đường đi
 
Từ hồi bước ra ngoài tuổi 50, mẹ tôi bắt đầu đi chùa. Nói bắt đầu là bởi trước đó, mẹ tôi chưa bao giờ biết đến chùa chiền, Phật, Tổ gì cả. Mẹ đi chùa, như một niềm an ủi lúc tuổi trời bắt đầu phai quá nửa, khi những đứa con đã đủ lớn đủ khôn, đi đủ xa để mẹ nhớ và mong chờ mỗi chuyến trở về. Ở chùa, mẹ tôi bắt đầu tìm thấy những niềm vui rất khác: chuyến đi từ thiện giúp người, những buổi công quả, sớt bát cúng dường, những cuốn kinh mang giáo nghĩa thâm sâu hay thời giảng pháp ngắn của quý thầy,… Những niềm vui như thế, khi còn trẻ, mẹ chưa bao giờ trực tiếp dự phần vào.
 
Nhưng có một điều, tôi biết, mẹ vẫn có đó và giữ trọn trong mình từ rất lâu, từ trước khi mẹ đến gần hơn với chùa, với Phật, đó là niềm tin nơi Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
 
Mẹ tôi tin, như đã nói, bằng một niềm tin thuần khiết, nguyên sơ. Mẹ tin rằng có một bậc hiền từ, bao dung, sẵn sàng chở che cho mọi cảnh đời cô lụy, cứu độ những ai chẳng may rơi vào cảnh nguy khốn. Dẫu mẹ chẳng am tường rằng danh hiệu Quán Thế Âm nghĩa là nghe thấu hay nhìn thấu tiếng kêu của cuộc đời, hiểu rõ rằng đại nguyện của một vị Bồ-tát là tự độ và độ tha, nhưng niềm tin của mẹ vẫn đủ lớn, tín tâm của mẹ vẫn đủ sâu dày và tha thiết nơi Ngài.
 
Mỗi lúc nguy biến, mẹ tìm kiếm sự che chở nơi Đức Bồ-tát Quán Thế Âm; mỗi khi bất an, mẹ nương tựa nơi niềm tin ở đấng mà mẹ (lẫn rất nhiều người mẹ Việt Nam khác) gọi thân thương bằng hai tiếng “Phật Bà”. Có lần, trong một cuộc trò chuyện bên mâm cơm, khi bàn đến đôi ba chuyện tâm linh, mẹ buột miệng: “Phật thì phải từ bi chớ, Phật mà không từ bi thì sao gọi bằng Phật được!”. Lúc đó, tôi cười và lắc đầu trước câu nói ngây ngô ấy (hình như còn cự lại đôi ba câu để “phô kiến thức” gì đó nữa mà tôi không nhớ). Mãi sau này, khi lớn thêm lên, tôi mới thấy câu nói ấy chứa trọn tâm thành của mẹ.
 
Phải, Phật thì phải từ bi chớ! Nhắc đến Phật cũng đồng nghĩa nghĩ đến tình thương, sự an ủi cho cuộc đời. Chỉ vậy là đủ. Với những người như mẹ, cần chi đến giáo nghĩa thậm thâm cho xa xôi, cần chi phải thấu tỏ những đại hạnh, đại nguyện, đại trí, đại lực, đại bi.
 
Phật thì phải từ bi chớ! Chỉ vậy thôi mà đủ nhựa sống để nuôi dưỡng đức tin rồi.
 
Nẻo về
 
Ấy nhưng chính một niềm tin như vậy lại là chất liệu, là “cỗ xe lớn” đưa đạo Phật đi vào lòng dân tộc, xứ sở. Ngược dòng thời gian, về thuở các Tăng nhân theo những đoàn thuyền buôn xuôi ngược đưa Phật giáo du nhập vào đất Luy Lâu. Từ những vị thần chủ quản các hiện tượng tự nhiên trong niềm tin bản địa, kết hợp với giáo lý đạo Phật vừa mới chạm ngõ xứ sở, đã tạo nên tín ngưỡng Tứ pháp với những tượng trưng vô cùng đặc biệt: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Niềm tin vào sự chở che cho mùa màng, cho cuộc tồn sinh của cư dân nông nghiệp được chuyển từ những vị thần dân gian sang gửi trao nơi Phật, nơi Bồ-tát.
 
Nhưng những danh hiệu Tứ pháp nói trên lại có vẻ hoa mỹ, xa cách với tâm thức mộc mạc của người dân quanh năm cần mẫn với lũy tre, vườn cau, ruộng lúa. Người dân quê Việt gọi các vị Phật - Bồ-tát ấy bằng cái tên giản đơn hơn: bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn. Vị nào thờ ở chùa nào thì cứ lấy tên chùa ấy mà gọi, dễ nhớ, dễ thuộc. Nhưng tại sao lại là bà?
 
Nhiều người giải thích rằng, bởi cái xã hội cổ sơ của người Việt vốn theo chế độ mẫu hệ, tương tự những tộc người ở phương Nam, dần dà về sau mới ngả theo chế độ phụ hệ phương Bắc. Trong chế độ mẫu hệ, người phụ nữ, người mẹ đóng vai trò chủ đạo, những nhân vật tối quan trọng trong tâm linh của người Việt đều là “bà” cũng bởi do vậy.
 
Sách vở từ chương là thế, nhưng tôi luôn muốn nghĩ theo cách giản dị hơn, người mẹ lúc nào cũng gần gũi với con cái, đức tính nhu nhuyến của người phụ nữ trong gia đình lúc nào cũng dễ cảm thông, dễ đi vào lòng người, nhiếp hóa nhân tâm hơn cả. Chính vì thế, những đấng thiêng liêng hằng ngự trị ở chỗ tối cao trong tâm thức dân tộc, phần đông đều mang tính nữ. Các “bà” Tứ pháp cũng khởi sinh từ niềm tin nguyên sơ, gắn với những gì thiết thân nhất với con người để rồi tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo trong lòng Việt Nam ngót hai ngàn năm qua.
 
So với tín ngưỡng Tứ pháp, tín ngưỡng Quán Thế Âm phát triển muộn hơn, nhưng lại chiếm ưu thế vượt trội cho đến tận bây giờ. Điều đó thể hiện rõ ràng nơi những di sản gắn liền với hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm và các hóa thân của Ngài trong kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc mà đỉnh cao có thể kể đến pho tượng Thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp. Nhưng có lẽ, sức sống lâu bền và mạnh mẽ nhất của tín ngưỡng này thể hiện ngay trong mỗi nếp tư gia: những pho tượng Quán Thế Âm luôn hiện diện trang trọng nơi gian thờ của hàng triệu triệu mái nhà Việt Nam.
 
Thờ kính Đức Bồ-tát Quán Thế Âm có lẽ là lựa chọn “ưu ái” của dân gian, họ tìm cầu chở che nơi hình tượng một người nữ với tình thương bao la, sự lắng nghe trải rộng muôn vàn. Điều đó có chút gì gần gũi với thiên tính của bậc từ mẫu. Người đời tin ở Ngài, có thể chỉ bằng một niềm tin đơn sơ và thuần khiết, như mẹ tôi, bà tôi đã và vẫn tin. Niềm tin ấy, như đã giãi bày, tuy có thể ngây ngô và dễ duôi, nhưng đó lại là dưỡng chất gìn giữ cho suối nguồn đạo pháp trôi chảy trong lòng người, tình đời. Bằng một niềm tin như thế, dân ta đã “kéo” đạo Phật vào gần hơn với đời sống của quê hương mình. Phật địa đâu xa xôi, nào phải bên Tây Vức, nào ngoài mênh mông biển thẳm, ở đâu có tình thương, có câu chuyện về sự nhiệm mầu của tình thương chan chứa của những bà Diệu Thiện, bà Thị Kính, ở đó Bồ-tát sẽ hiện thân, ở đó là Phật địa:
 
Rằng trong bể nước Nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quán Âm.
 
Một buổi chiều tháng Hai, giữa cái nắng ấm dìu dịu của mùa xuân rót nhẹ vào không gian, tôi tạm dừng cuộc rong ruổi, ghé lại ngôi chùa làng Thổ Hà, ngồi trên bậc thềm gạch nhuộm lớp rêu nâu thẫm, tựa mình bên vách tường bạc thếch tháng năm, khóm ngâu xanh trổ mấy cụm hoa vàng điểm vào khung cảnh tĩnh mặc trầm buồn. Tôi đưa mắt nhìn về phía gian hậu của ngôi chùa u tịch, nơi có Phật động rườm rà, tinh xảo bằng đất sét diễn bày lại thắng địa trên biển Nam, chốn thường trụ của Đức Quán Thế Âm. Các vãi già họp nhau trên manh chiếu hoa, chăm chú têm trầu, đơm quả. Bỗng một âm điệu ngân nga cất lên, ngằn ngặt vì phong sương tuổi tác có chiều khó nghe rõ tiếng tròn câu, ấy vậy mà mang sức hút lạ kỳ. Khách lờ mờ nhận ra một vãi già đang hát kể hạnh Đức Phật Bà, cuộc cứu khổ độ mê, nhủ người sống chan hòa, nhân đức,… Có phải vãi đang hát kể cho người khách lạ mới ghé lại chùa này nghe không? Giọng hát giản dị, đều đều bỗng gợi lên một rung cảm sâu xa, một nỗi niềm khó tỏ.
 
Và tâm khảm kẻ viễn du chợt ánh lên một nụ cười hàm tiếu ẩn hiện trong cõi mênh mông khói sóng giữa chập chùng nước bạc mù khơi...