Góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển
- Thưa Thượng tọa, Phật giáo Việt Nam đã có hành trình dài hội nhập vào nền văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, Thượng tọa có thể cho biết, sự tham gia của Phật giáo trong văn hóa có đặc điểm gì?
- Được du nhập vào Việt Nam cách nay 2.000 năm, Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân bởi có triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc, sự từ bi, hài hòa, bao dung, nhập thế. Phật giáo đã đóng góp cho dân tộc ta một khối di sản văn hóa đồ sộ, đặc sắc về cả vật chất (hệ thống chùa, tháp, tượng, pháp khí, nghệ thuật điêu khắc, hội họa…) và tinh thần (tư tưởng, triết lý giáo dục…). Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thực hiện đề án "Định hướng phát triển đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam về: Pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc và di sản", hiện nay đề án vẫn đang được thực hiện. Như vậy, Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, góp phần định hình lối sống, phong tục, giá trị chuẩn mực văn hóa, hòa quyện cùng văn hóa bản địa trở thành "mạch ngầm văn hóa" tạo nền tảng cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa nước nhà.
- Để Phật giáo hội nhập ngày càng sâu và góp phần làm giàu nền văn hóa dân tộc, xin Thượng tọa chia sẻ về những mong muốn, đề xuất của bản thân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
- Để các giá trị Phật giáo hội nhập vào đời sống thực tiễn hơn nữa, cần có sự cố gắng nỗ lực từ xã hội nói chung mà chủ thể là Nhà nước và chính bản thân Phật giáo. Xin đưa ra một số gợi ý sau:
Thứ nhất, bên cạnh những giá trị của Phật giáo đã được nhận diện tương đối đầy đủ, cần phải làm rõ một số biểu hiện tiêu cực. Muốn làm được điều này, Đảng và Nhà nước cần tăng cường giáo dục tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức chung của toàn dân về vai trò của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong đời sống xã hội; phải thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề này. Việc nghiên cứu lý luận và đánh giá tác động thực tiễn của Phật giáo tới đời sống xã hội cũng cần được đẩy mạnh; từ đó khuyến khích những mặt tích cực và loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, lợi dụng Phật giáo trục lợi. Với những mặt tích cực thì không thể nói chung chung mà nên thực hiện các phương pháp tuyên truyền đa dạng cũng như những hành động cụ thể gắn liền với tình hình thực tiễn, phù hợp với bối cảnh từng địa phương. Cùng với đó, nên nêu gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những mô hình Phật giáo tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với những biểu hiện tiêu cực như mê tín dị đoan; tổ chức lễ hội phô trương, lãng phí; chương trình quyên góp không được kiểm soát chặt chẽ… thì cần phải sử dụng pháp luật loại bỏ khỏi sinh hoạt Phật giáo. Bên cạnh đó, giúp bà con Phật tử nhận thức được những biểu hiện lệch lạc là một việc làm cần thiết, thông qua các lớp học do cơ quan quản lý Nhà nước kết hợp với Ban trị sự Phật giáo các địa phương tổ chức để giúp tín đồ Phật giáo hiểu đúng và thực hành đúng với giáo lý Phật giáo. Tất nhiên, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là một việc làm vô cùng quan trọng trong một xã hội dân chủ. Nhà nước cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác chống các âm mưu lợi dụng tôn giáo, xử lý nghiêm minh và công bằng các sinh hoạt tôn giáo vi phạm pháp luật.
Thứ hai, từng bước hoàn thiện cơ chế phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong điều kiện mới. Mặc dù đã có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vẫn phải rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để cho Luật không xa rời đời sống.
Thứ ba, cần tối ưu hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, đặc biệt là những nơi có đông đảo tín đồ Phật giáo hay ít nhất là những nơi có sự hiện diện của các cơ sở Phật giáo. Những tổ chức này là một phần quan trọng trong hệ thống chính trị, nên cần phải chia sẻ trách nhiệm chung với Đảng và chính quyền các cấp về việc tuyên truyền đường lối và chính sách đối với tôn giáo.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Khi đời sống vật chất và trình độ của người dân được nâng cao thì đó chính là cơ sở để họ tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Nói cách khác, phát huy những giá trị tích cực và loại bỏ những biểu hiện tiêu cực của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong quá trình xây dựng xã hội mới chỉ được thực hiện trên nền tảng kinh tế vững chắc. Đảng và Nhà nước nên có những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội phù hợp với từng địa phương, trong đó cần tính tới sự hiện diện của tôn giáo ở địa phương đó. Cần vận động phật tử phát huy nội lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ năm, Phật giáo không chỉ là một tổ chức tôn giáo mà còn là thiết chế văn hóa, nên cần phải điều chỉnh hành vi, hoạt động của mình sao cho tuân thủ pháp luật và phù hợp với mong muốn của người dân và xã hội nói chung. Rõ ràng trong bất kỳ quốc gia nào thì hoạt động tôn giáo cũng không thể vượt ra khỏi pháp luật và trật tự của xã hội mà tôn giáo đó tồn tại. Một tôn giáo cũng chỉ có thể phát huy được giá trị của mình khi quốc gia đó có sự ổn định và phát triển. Chính vì vậy, để những giá trị văn hóa đạo đức của Phật giáo được xã hội thừa nhận và ủng hộ thì cần phải có sự cố gắng của chư tăng ni, phật tử; trước hết là bằng những việc làm cụ thể từ mỗi cá nhân, sau đó nâng cấp lên thành những mô hình và mở rộng những mô hình này.
- Xin cảm ơn Thượng tọa!
Báo Nhân Dân
MAI THÙY ANH (thực hiện)