Phật giáo với phát triển văn hóa và con người Việt Nam
Sức sống của muôn loài theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân trăm hoa đua nở, cỏ cây xanh tươi, Xuân đến mọi người con đất Việt lại đón Tết cổ truyền - một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đón Xuân Ất Mùi 2015, mọi người dân náo nức với niềm tin tưởng về quê hương, đất nước đang chuyển mình tích cực trong phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc và hòa nhập vào trào lưu tiến bộ của thế giới. Hòa chung niềm vui đón xuân mới, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dành cho Tạp chí Xây dựng Đảng một cuộc trao đổi về chủ đề: Phật giáo Việt Nam gắn bó, thúc đẩy phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Thưa Thượng tọa, phải chăng lịch sử lâu đời của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó với văn hóa và con người Việt Nam?
Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Tôn giáo là phạm trù văn hóa, Phật giáo là một sự kiện tôn giáo, cũng là một sự kiện văn hóa. Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử hơn 2 nghìn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, văn hóa Phật giáo đã trở thành bộ phận hữu cơ trong nền văn hóa dân tộc. Những chất liệu văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống Phật giáo đã góp phần tạo nên bản sắc, căn cốt của văn hóa Việt Nam.
Phật giáo từ lâu vốn đã in sâu trong tiềm thức người dân, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng người Việt, một sự gắn bó tự nhiên. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã đem lại những đóng góp đáng kể cho văn hóa, tư tưởng, kinh tế trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt với tư cách là thành tố văn hóa - tinh thần, nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc cả trong văn hóa - sinh hoạt vật chất. Đến với Phật giáo là đến với cõi tịnh tâm, với sáng láng trí tuệ để con người trở về với chính mình, lấy ánh sáng trí tuệ của đạo pháp đẩy lùi cái vô minh, gột rửa tham, sân, si trong chính bản thân.
Với tinh thần “lợi đạo, ích đời”, Phật giáo Việt Nam đã tập hợp được lực lượng tín đồ đông đảo để xiển dương cho các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an bình của đất nước. Mang tư tưởng “Từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha”, Phật giáo Việt Nam đã thực sự góp phần trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó tư tưởng yêu nước là chủ yếu, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, đạo đức, phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Phật giáo khi được truyền vào Việt Nam luôn hòa mình vào văn hóa dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước, thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội qua phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Thưa Thượng tọa, với bề dày lịch sử, Phật giáo tích cực góp phần xây dựng, phát triển văn hóa và nhân cách con nguời Việt Nam?
Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Phật giáo Việt Nam luôn sống trong lòng dân tộc, thịnh suy theo vận nước, tinh thần nhập thế của Phật giáo gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân, tạo nên xung lực cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Phật giáo là đạo đức, là trí tuệ, không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân, trị quốc của các vương triều Đại Việt trước đây, mà còn góp phần quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam.
Gắn bó với văn hóa dân tộc, song hành cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo xưa và nay vẫn luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Không chỉ trong văn hóa ở các triều đại trước đây, Phật giáo đã khẳng định vị trí của mình bằng những đóng góp đáng ghi nhận. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các tăng ni, phật tử cũng xuống đường đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc, hòa bình cho cuộc sống của muôn dân. Phật giáo đã đứng về phía nhân dân trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bởi Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội là một thể thống nhất. Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước.
Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời, Phật giáo thích ứng với hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của dân tộc, hòa nhập cùng dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc. Lịch sử đã minh chứng, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Phật giáo tích cực tham gia xây dựng cuộc sống và có những đóng góp trên các phương diện kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, xây dựng con người Việt Nam...
Phật giáo là giáo dục trí tuệ để hướng con người về cái thiện, ý nghĩa đó nhắc nhở người con Phật không những thực hành theo giáo lý Phật để tu tâm, góp phần điều chỉnh hành vi con người theo chuẩn mực chân, thiện, mỹ, mà còn đóng vai trò “hoằng pháp viên” truyền đạo lý đến mọi người, giúp họ ứng dụng vào cuộc sống an lạc. Phật giáo luôn quan tâm đến quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, bồi dưỡng, phát huy cái tốt, trang bị cho cá nhân những nhận thức có chính kiến, đức tin chân chính, những phẩm chất, ý chí và đạo đức nhân bản, đánh thức con người đức tín tự tin, tự chủ, tự trọng với tinh thần trách nhiệm bản thân và xã hội.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo ở Việt Nam là cơ sở gắn kết Phật giáo với dân tộc, với văn hóa và cùng phát triển trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. Văn hóa Phật giáo vẫn xuyên suốt quá trình lịch sử một cách liên tục tạo một dòng chảy như “mạch ngầm” thấm sâu vào lòng dân tộc, tạo “bản sắc” riêng của nền văn hóa dân tộc. Để từ đó, tạo ra một nền tảng giá trị tinh thần và hình thành nhân cách, giúp cho con người ứng xử với nhau một cách hòa đồng theo tinh thần “Lục hòa” và có một nội lực tự sinh của cộng đồng, kháng lại mọi nền văn hóa muốn “xâm thực” nền văn hóa Việt Nam. Nhờ vậy, người Việt Nam luôn luôn hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và có tư tưởng “vị tha”. Mọi hoạt động về phật sự của Phật giáo luôn luôn xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc và cuộc sống nhân sinh.
Phật giáo Việt Nam luôn hướng đến việc ích đời, lợi đạo, thông qua công tác hoằng dương phật pháp, đưa đến cho người dân tư tưởng sống trong chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Trong văn hóa Việt Nam có tinh thần Phật giáo, trong lòng Phật giáo có văn hóa dân tộc. Sự kết hợp đã tạo nên một sức mạnh tinh thần cho cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thưa Thượng tọa, liệu có sự tương đồng giữa đường lối của Đảng, Nhà nước với giáo lý Phật giáo về phát triển văn hóa, con người Việt Nam?
Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Từ năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Đề cương văn hóa Việt Nam. Năm 1998, Đảng có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với nội dung “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Kế thừa những giá trị văn hóa, gần đây Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) có Nghị quyết: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, khẳng định: Văn hóa phải gắn với con người, văn hóa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển. Trung tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, dân chủ và khoa học - một nền văn hóa giàu tính nhân văn để con người tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Con người Việt Nam là những con người yêu nước, luôn có lòng nhân ái. Trong quá khứ, người Việt Nam đã biết yêu thương, đùm bọc nhau, nhất là mỗi khi có khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn. Trong hiện tại và tương lai, để có một xã hội thật sự tốt đẹp như mong muốn của Bác Hồ, của Đảng và nhân dân ta, lòng nhân ái vẫn sẽ là nền tảng quan trọng nhất trong đời sống xã hội. Hoạt động văn hóa là hoạt động của con người nhằm phát triển, sáng tạo, lưu giữ và truyền bá các giá trị nhân văn “Chân - Thiện - Mỹ”, có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng con người, hình thành nhân cách.
Giáo lý Phật giáo là từ bi và trí tuệ, mục đích của đạo Phật là vì sự an lạc của chư Thiên và loài người, đem lại an vui, hạnh phúc cho chúng sinh. Phật giáo Việt Nam với phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước. Phật giáo có vai trò quan trọng trong sự hướng dẫn đời sống tinh thần cho mọi người, làm nền tảng luân lý để xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức, trí tuệ. Với lẽ đó, giáo lý Phật giáo có sự tương đồng với đường lối của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Vì thế, Phật giáo được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để truyền bá rộng rãi giáo lý Đạo Phật, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, không chỉ trùng tu và xây dựng chùa chiền mà còn mở mang hệ thống đào tạo tăng ni cả trong và ngoài nước.
Thưa Thượng tọa, Giáo hội Phật giáo và các tăng ni, phật tử sẽ tiếp tục tham gia xây dựng, vun đắp, phát triển văn hóa và con người Việt Nam như thế nào?
Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Những lời Đức Phật dạy cách đây hơn 25 thế kỷ nay vẫn còn nguyên giá trị, giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức và vì thế đã hòa nhập, ngày càng sâu rễ, bền gốc trong lòng dân tộc Việt Nam. Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng đang có dấu hiệu bị phai nhạt; tệ mê tín, dị đoan, sự cám dỗ về vật chất ngày càng lớn, đạo đức xã hội xuống cấp; tệ nạn xã hội nảy sinh, gây bất ổn cho không ít gia đình và phức tạp cho xã hội, đó là vấn đề Phật giáo đang quan tâm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy tinh hoa văn hóa Phật giáo, phát huy truyền thống dân tộc bằng những việc làm thiết thực, thực hiện tốt con đường hành đạo của mình, mỗi tăng ni, phật tử luôn gương mẫu, trau dồi tuệ mệnh, giới đức, nâng cao trình độ, giữ vững tinh thần đoàn kết, cùng với nhân dân xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phật sự quan trọng do có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Với tinh thần: “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”, phát huy truyền thống hòa quyện giữa Phật giáo với dân tộc trên con đường phát triển, xứng đáng có một vị trí quan trọng trong lòng dân tộc Việt, là một tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc trên mỗi bước đường phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!