Bảo tháp Thiền sư Đất việt – Hải Bình Bảo Tạng
Được biết, Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818- 1872) là một vị cao tăng triều Nguyễn, thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ tổ đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) và là đệ tử của Tăng Cang Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842). Sau thời gian học pháp với thầy Tổ và tham phương học đạo với các vị đại sư đương thời, sau đó vân du hóa đạo, từ các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.
Thiền Sư Bảo Tạng thế danh là Huỳnh Văn Yết, thân phụ là Huỳnh Văn Xưa, thân mẫu là Trần Thị Tấn (có một thuyết khác cho rằng thế danh của Thiền sư là Lê Chi), sinh năm Mậu Dần, viên tịch ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Thân.
Tu học ở chùa Bát Nhã, sau đó Thiền sư Bảo Tạng cùng hai sư huynh là Thiền sư Bảo Thanh và Bảo Chân vân du hoằng hóa về phương Nam. Thiền sư đến núi Trà Bang (làng Bình An, Phú Quí, Phan Rang) tu hành. Rồi Thiền sư đến vùng Vĩnh Hảo, lập chùa Linh Sơn để hoằng dương Phật pháp ở vùng Phan Rang, Phan Rí. Đến núi Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong, khai sơn chùa Trà Cang.
Tại núi Tà Cú, Ngài nhận thấy núi này là nơi “địa linh”, có nhiều long mạch hội tụ, đã chọn một hang đá gần đỉnh núi làm nơi tu hành, phía dưới hang có mạch nước trong mát, sau này được gọi là “hang Tổ”. Thiền sư đến hang này, Ngài tọa thiền, khi đói thì ăn rau rừng, uống nước suối, cảm hóa loài vật, dần cọp sói trở thành là bạn thân thiết với Ngài. Ngài nhất tâm tinh tấn Thiền định, đã sáng đạo tại đây. Sau đó, người dân dựng cho Ngài một am để ở tu. Thời gian sau, để đệ tử là Hữu Đức ở lại am tu hành và dựng chùa Linh Sơn Trường Thọ ở trước hang Tổ để hoằng hóa. Thiền sư đến núi Châu Viên ở Phước Hải (Đất Đỏ, Bà Rịa), huyện Long Đất, Bà Rịa-Vũng Tàu lập chùa Châu Viên Sơn và chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân. Sau đó, Thiền sư còn trùng tu và trụ trì nhiều chùa khác ở vùng Bà Rịa như chùa Long An, chùa Bửu An, chùa Long Hưng…
Cuộc đời Thiền sư hành đạo, giáo hóa không mệt mỏi, nơi nào cần là đến, đã lập “nhiều ngôi tự viện”, độ đệ tử xuất gia, tại gia. Điều đặc biệt mà chúng tôi được nghe chính vị trụ trì hiện tại ngôi chùa Ngọc Tuyền và Sư Giác Trí kể lại; Thiền Sư may y bằng lá, thật kỳ lạ.
Khoảng năm 1861 đến năm 1868 thì thiền sư trở lại Phú Yên làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Long Quang, trụ trì chùa Thạch Sơn và tại đây, Ngài đứng in bản dịch nôm kinh Kim Cang, Kim Cang Diễn nghĩa và Tâm kinh Bát nhã. Sau đó, sư trở vào Nam trụ trì chùa Long Hòa, Ngọc Tuyền cho đến khi viên tịch.
Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng viên tịch vào ngày 25-5 năm Nhâm Thân (1872) tại chùa Ngọc Tuyền, chúng đệ tử phụng lập Bảo Tháp của thiền sư trong khuôn viên chùa. Hiện là khuôn viên đền thờ liệt sĩ ở núi Minh Đạm, khu di tích lịch sử Quốc Gia, thuộc khu phố Hải Sơn, Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trước đó Tháp toạ lạc ngay trong khuôn viên chùa Ngọc Tuyền. Sau đó, để tôn vinh và nhớ ơn các anh Hùng liệt sĩ đã hy sinh tại núi Minh Đạm, chính quyền lên kế hoạch thành lập đền thờ liệt sỹ. Nhà nước trao đổi và xin chùa nhường phần đất 1 mẫu (10.000m2) để làm đền thờ và chùa sẽ nhận phần đất mới là 4.000m2, giáp ranh với đền. Năm 2005, Bảo Tháp của Thiền Sư Hải Bình Bảo Tạng nằm trong khuôn viên đền thờ liệt sỹ.
Đến với Bảo tháp của Tổ sư, kiến trúc xây dựng bảo tháp khá cổ xưa, theo kiểu lục giác, gồm có 3 tầng. Tháp được xây dựng bằng đá xanh kết hợp với các nguyên liệu cổ truyền như cây ô dước, mật mía, vôi, tạo nên sự bền chắc của kiến trúc. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài không được bảo quản tốt, phần bị tác động bởi vài yếu tố khách quan nên nay bị xuống cấp và hư hại nhiều. Vì vậy, về sau hàng môn đệ dựng thêm nhà gỗ lục giác bên ngoài và lan-can bằng đá xung quanh để bảo quản ngôi tháp.
Sau khi khảo sát tại Bảo tháp, đoàn lễ Tổ ra về dưới cơn mưa như trút nước, lạnh với bên ngoài ước đẫm nhưng ấm từ tận con tim người hậu bối. Từ những di sản còn lưu lại, giúp chúng ta cảm nhận được ánh sáng từ Thiền sư Bảo Tạng dầu đã vào Niết bàn tịch diệt nhưng để lại tấm gương tiêu biểu của một vị Tổ sư suốt đời phụng sự Phật pháp, tạo dựng rất nhiều chùa, hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đạo pháp – dân tộc. Đành rằng, tuỳ duyên hoá độ, thuận thế vô thường mà Ngài thị hiện để cho hậu thế noi theo từ thân giáo đến khẩu giáo. Trải qua thời gian, chiến tranh bom đạn, Bảo tháp nay đã bị xuống cấp nên rất cần phục dựng và bảo tồn lại ngôi Bảo tháp để xứng tầm với công hạnh Tổ sư và làm chỗ chiêm bái cho chúng đệ tử và lưu dấu mãi ngàn sau.
Các ngôi tự viện, thuộc danh lam thắng cảnh do Ngài sáng lập như: Chùa Thạch Sơn, chùa Linh Sơn Trường Thọ (Bình Thuận), chùa Long Quang, chùa Bửu Long, chùa Long Bàn, chùa Châu Viên, chùa Ngọc Tuyền (khu phố Hải Sơn, Thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng là nơi Thiền Sư viên tịch và nhục thân được an trí trong Bảo Tháp trong khuôn viên chùa Ngọc Tuyền.
Liên Thảo