Hành trình tìm kiếm sự thống nhất trong đa dạng

Thưa quý vị và các bạn!

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được 35 năm, với sự thống nhất về mặt tư tưởng và hành pháp. Thế nhưng, cũng vẫn còn một số lĩnh vực chưa tạo nên sự thống nhất chung, do đó đôi khi chùa Việt, tăng ni Việt vẫn bị nhầm là chùa và tăng ni của nước ngoài. Đó là khoảng trống mà Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang nỗ lực lấp đầy. Nhưng không bao giờ sự thống nhất mang tính chất áp đặt có thể đạt được, nếu thiếu đi sự đồng thuận. Đây cũng là nội dung chính của bài: “Hành trình tìm kiếm sự thống nhất trong đa dạng” của phóng viên Thu Thùy mà quý vị và các bạn nghe sau đây:

Có thể nói, từ khi hình thành ý tưởng đề án “định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam: thống nhất trong đa dạng” vào cuối năm 2014 đến nay, Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua một hành trình dài để đi đến sự thống nhất vào cuối tháng 8 vừa qua. Những quan điểm chính được cả 4 Hệ phái (Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Khất sĩ) và Ban trị sự Phật giáo các địa phương mà Ban Văn hóa khảo sát đồng lòng thống nhất, đó là: lựa chọn một màu vàng hoại sắc để làm màu y chung, vẫn tôn trọng cách đắp y của từng Hệ phái; sử dụng tiếng Việt trong hoành phi, đối liễn tại các ngôi chùa mới xây, còn tại các chùa xây trước đó thì dịch từ bản gốc chữ Hán, chữ Phạn, chữ Pali sang tiếng Việt và tiếng Anh để Phật tử và du khách có thể hiểu được; chọn một bài khóa tụng chung bằng tiếng Việt để các Hệ phái tụng khi tham gia quốc lễ và quốc tế lễ … Thế nhưng, để đưa sự thống nhất đến từng ngôi chùa, từng vị Tăng Ni, Phật tử còn là một hành trình dài. Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, phân tích:

Nói đến vấn đề văn hóa không phải là một sớm một chiều mà đã có thể đi đến đồng thuận mà còn cần có thời gian để thuyết phục, để chia sẻ, lấy ý kiến. Trong từng lĩnh vực có cái khó riêng. Chúng tôi sẽ cùng với Ban văn hóa Phật giáo tỉnh để lấy thêm ý kiến, từ đó lấy được sự đồng thuận của Tăng Ni Phật tử trong toàn tỉnh

Đặc trưng của mỗi Hệ phái đã khác nhau, nhưng ngay cả trong một Hệ phái thì tính vùng miền cũng khác. Bởi vậy, cũng như các Giáo phẩm cấp cao của Hệ phái Nam tông Khmer, Hòa thượng Đào Như - Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự - rất mong muốn những nỗ lực này của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể đưa đến kết quả tích cực:

Quan điểm của tôi rất là hoan hỉ vì Ban Văn hóa đã đưa ra 4 đề án và đồng thời đi khảo sát, nắm tình hình và đúc kết một cách rõ ràng. Đối với Hệ phái Bắc tông, Khất sĩ, Nam tông Khmer và Nam tông Kinh. Làm như thế nào để chúng ta có một lời nói chung về pháp phục, ngôn ngữ như thế nào (ví dụ như chúng tôi ở đây tụng bằng ngôn ngữ Pali, Pali - Khmer). Tôi rất ủng hộ.

          Đối với Hệ phái Khất sĩ, mặc dù văn bia, hoành phi, đối liễn, kinh sách đều được Việt hóa bằng thơ để Phật tử dễ hiểu, dễ đọc, dễ theo, nhưng theo Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo phẩm cấp cao Hệ phái Khất sĩ - thì muốn sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ thống nhất cũng cần có sự vận động tích cực để Tăng Ni ở các chùa trong mỗi Hệ phái đều đồng thuận. Còn Thượng tọa Thích Minh Thành, Tiến sĩ Phật học, đại diện Hệ phái Khất sĩ, sự ra đời trong thế kỷ 20 giúp phái Khất sĩ hiện đại hơn, nhưng sẽ có những khó khăn nhất định về mặt di sản:

Riêng phương diện di sản  văn hóa thì Hệ phái Khất sĩ băn khoăn là với những sản phẩm văn hóa mới tồn tại khoảng 70 năm thì liệu có được coi là di sản hay không. Đồng thời văn bia, di sản cũng không được nhiều.

Theo Thượng tọa Thích Bửu Chánh, Ủy viên Hội đồng chứng minh, Giáo phẩm cấp cao Hệ phái Nam tông Kinh, thì cần tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía:

Mình phải tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo, của hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh, các vị trưởng lão, các vị trụ trì. Riêng bản thân chúng tôi thì 4 đề án này cần phải làm để hội nhập với xã hội, và hội nhập với Phật giáo Thế giới, để khẳng định Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, chúng tôi cũng bàn các vị trong Giáo hội, trong Hệ phái cố gắng hết sức đề hoàn thành 4 đề án này.

Chặng đường mà Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” cần tiếp tục còn dài. Nhưng với những nỗ lực 2 năm qua, thành quả ban đầu mà Đề án đạt được là đã dẹp bớt những riêng biệt của từng Hệ phái vì sự thống nhất chung như ý kiến của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó chủ tịch HĐTS GHPG VN, Giáo phẩm cấp cao Hệ phái Nam tông Kinh. Hòa thượng cho rằng tinh thần của Đức Phật là không phân chia Hệ phái. Do đó dẹp bớt những riêng biệt của từng Hệ phái để hướng tới sự thống nhất trong đa dạng là việc nên làm và phải làm./. 


PV: Thu Thùy