Ngày thứ tư đoàn khảo sát kiến trúc phật giáo : Các ngôi chùa ở hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh
Đoàn của Ban VHTW, cùng TT Trưởng Ban Thích Thọ Lạc, còn có HT Thích Hải Ấn – UV HĐTS, Phó Trưởng Ban thường trực BVHTW; HH Thích Quang Nhuận – UVHĐTS, Phó Trưởng Ban VHTW; TT Thích Hải Định – UV Ban VHTW đặc trách khu vực Tây Nguyên và Chư Tôn đức Tăng Ni cùng các cơ quan chức năng: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN), TS Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích & Bảo tồn di tích Viện Bảo tồn Di tích; Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Ths. KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo cùng các Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng các cơ quan truyền thông đã có ngày làm việc nhiệt thành, hiệu quả tại 6 ngôi chùa tiêu biểu cho các hệ phái ở 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
VĨNH LONG – NHIỀU KIẾN TRÚC ĐẸP, NHIỀU NGÔI CHÙA ĐẸP
Về miền Tây, mọi người thường nhắc đến Vĩnh Long là “xứ sở” của công việc kiến trúc, kiến tạo nhiều công trình đẹp và giá trị. Người dân cả nước và du khách nước ngoài khi về miền Tây thường chọn điểm đến Vĩnh Long để chiêm bái những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, giao thoa kiến trúc của nhiều quốc gia lân cận, đậm bản sắc dân tộc vùng miền, tạo nên sắc thái riêng có. Chuyến khảo sát kiến trúc của Đoàn công tác Ban VHTW GHPGVN và các cơ quan liên quan đến Vĩnh Long để khảo sát những ngôi chùa mang tính chất hệ phái, tông môn.
Ban Trị sự GHPG tỉnh Vĩnh Long gồm TT Thích Lệ Lạc – TBTS tỉnh, TT Sơn Ngọc Huynh – UV HĐTS, Phó Ban TS đặc trách Nam tông tỉnh, trụ trì chùa Hạnh phúc Tăng, ĐĐ Thích Minh Tuấn – TB Văn hoá PG tỉnh và Chư tôn đức Ban Thường trực PG tỉnh đón đoàn.
Tịnh xá Ngọc Viên là điểm đến đầu tiên của Đoàn. Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Binh (Pháp danh Minh Kiến – Cty TKXDTM Thiện Phúc) – đơn vị của ông chuyên xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo - thì tịnh xá này có từ năm 1948 do Tổ sư Minh Đăng Quang dựng nên tại số 14/20/2 đường Xóm Chài, phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Tịnh xá là Tổ đình của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, là ngôi tịnh xá còn giữ nguyên mẫu hình dáng và bài trí thuở nguyên sơ.
Hoà thượng (HT) Giác Giới trụ trì Tịnh xá Ngọc Viên nhiều năm qua, gần đây HT đã chuyển giao chức vị trụ trì Tịnh xá cho Đại đức Minh Viên. Sư trụ trì cho biết: Ngôi chánh điện hình chữ nhật (tượng trưng thuyền Bát nhã), dài 16m, rộng 8m được dựng bằng cây lá đơn sơ, giữa đặt pháp tháp tôn trí đức Phật Thích Ca. Trải qua nhiều năm thán, sau những lần tu sửa, tôn tạo ngôi chánh điện mới được TT. Thích Giác Giới tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 06/8/1993, khánh thành ngày 08/01/1995. Chánh điện hiện có đường kính 18,10m, cột cái cao 11,40m, cột hàng 4 cao 3,50m. Tượng đức Phật Thích Ca bằng đá trắng cao 1,60m được tôn trí ở pháp tháp giữa chánh điện. Trên tháp thờ bộ Đại Tạng kinh Việt Nam, phía sau thờ ảnh Tổ Sư Minh Đăng Quang.
Tịnh xá thuộc Giáo đoàn 1- là Giáo đoàn Du tăng đầu tiên của Giáo hội Tăng già Khất sĩ VN, nay là hệ phái Khất sĩ, một trong chín tổ chức thành viên tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Giáo đoàn 1 do Tổ Sư Minh Đăng Quang thành lập năm 1944, trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia, hướng dẫn hành đạo. Trong mười năm hành đạo, Tổ Sư đã chứng minh thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá, thu nhận hơn 100 Tăng Ni xuất gia và truyền thọ Tam quy Ngũ giới cho hằng chục vạn tín đồ Phật tử tại gia. Giáo đoàn 1 hiện có 21 ngôi tịnh xá, tịnh thất. Tịnh xá Ngọc Viên có diện tích đất 6.193m2. Hệ phái này hiện có hơn 400 ngôi tịnh xá từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Tổ đình Minh Đăng Quang là nơi thờ cúng Tổ sư Minh Đăng Quang, người lập ra hệ phái Khất sĩ của Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923, vắng bóng năm 1954 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 5, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình). Sư trụ trì hiện tại là HT Giác Giới – Phó TK HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ VN.
Với kiến trúc tinh xảo và nghệ thuật, Tổ đình Minh Đăng Quang có nhiều cảnh đẹp mang ý nghĩa tâm linh, đang là niềm tự hào của người dân cả nước, và bà con địa phương đến thưởng ngoạn. Có diện tích trên 10 ha, được xây dựng năm 2014, gồm các hạng mục cơ bản như: Điện thờ Phật tổ; điện thờ Tổ sư Minh Đăng Quang; nhà tiếp khách, nhà hành lễ, nhà tu, khu sinh thái và nhiều công trình phụ khác đều được nhìn trong tổng thể quy hoạch dễ chấp nhận.
Đến đây, du khách sẽ gặp nét kiến trúc nho nhã, trang nghiêm, linh thiêng, bố trí hài hòa taọ cảm giác an lạc. Nhiều du khách rất thích chứng kiến những bộ cột bằng gỗ quý được thiết kế công phu cao gần 15 mét tại các điện thờ; những thiết chế văn hóa kiến trúc được thể hiện rất rõ ở các bộ bàn ghế, bàn thờ, bát hương, chân đèn, tranh ảnh nghệ thuật quý hiếm.
Tổ đình Minh Đăng Quang hiện là điểm du lịch tâm linh tráng lệ của miền Tây Nam Bộ và tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây là nơi để các phật tử tu tập theo giáo lý Đức Phật Thích Ca; cũng như các tín đồ đến hành lễ tưởng nhớ công đức sáng lập hệ phái Phật giáo Khất sĩ VN của Tổ sư.
Chùa Hạnh phúc Tăng là điểm cuối khảo sát tại tỉnh Vĩnh Long. Đây là ngôi chùa thuộc Phật giáo Nam tông Khmer do TT. Sơn Ngọc Huynh – UV HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Long làm trụ trì, toạ lạc tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Chùa Hạnh Phúc Tăng là ngôi chùa tiêu biểu về kiến trúc xây dựng. Ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ. Sở dĩ chùa có tên Hạnh Phúc Tăng là do từ xưa, chư Tăng đến tịnh tu để đạt được sự an lạc, hạnh phúc của người xuất gia tu hành. Theo khắc ghi trên vách Chánh điện, vách Sala và cổng chùa được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác và tồn tại cho đến ngày nay thì chùa được thành lập từ thế kỷ VII (PL1176 – DL632) thuộc đất Phù Nam xưa. Chùa Hạnh phúc tăng ngoài là nơi tu học, hành đạo dành cho chư Tăng và Phật tử , và còn là trung tâm sinh hoạt, gìn giữ và bảo tồn văn hoá dân tộc Khmer thuộc nhiều loại hình khác nhau như: Kiến trúc, trang phục, ca điệu múa, nhạc ngũ âm, nhạch cổ truyền , điệu múa chhay dăm, Ghe ngo… Chùa thường xuyên mở lớp dạy chữ Khmer cho con em Phật tử đến học, dạy chữ Pali và giáo lý cho các chư Tăng, Phật tử tu học và nghiên cứu Phật pháp. Đoàn Khảo sát đã làm việc với Ban Trị sự PG tỉnh Vĩnh Long và Sư trụ trì cùng Chư Tôn đức về phong cách văn hoá và một số tập tục kế thừa ở vùng dân tộc này. Trong chuyến công tác, đoàn Khảo sát đã được thưởng thức tài nghệ của các nghệ nhân, nghệ sĩ về nhạc truyền thống của dân tộc Khmer.
VỀ TRÀ VINH – NƠI DÂN TỘC KHMER MỘ ĐẠO PHẬT.
Buổi chiều , đoàn công tác di chuyển về Trà Vinh. Dù muộn, dù đường dài và nắng hanh hao mùa thu ĐBSCL làm cho không ít người mỏi mệt, các thành viên trong đoàn vẫn cần mẫn với công việc ở các ngôi chùa thuộc địa phương này. Trà Vinh là một trong những tỉnh ĐBSCL có nhiều người dân tộc Khmer sinh sống. Người Khmer rất sùng Đạo Phật, với các lễ hội đa dạng, phong phú tạo nên bản sắc đặc trưng của văn hoá Khmer.
Tại Trà Vinh, ngôi chùa đầu tiên đoàn công tác dừng chân là chùa Lưỡng Xuyên (Bắc tông). Nơi đây cũng là trụ sở Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh. Tiếp đoàn có HT Thạch SokXane – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Trí Minh , Phó TBTT, TB Giáo dục, Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Trà Vinh, HT Thích Huệ Pháp, Phó TBTS, TB Tăng sự: TT Thích Tâm Khiết – Phó TB Trị sự kiêm Chánh Thư ký; TT Thích Minh Nhật, Phó TB Trị sự, TB Nghi lễ; TT Thích Phước Nguyên, Phó TBTS, TB Hoằng Pháp, ĐĐ Thích Huệ Thắng và Chư Tôn đức Ban thường trực PG tỉnh tiếp đoàn.
Chùa Lưỡng Xuyên là một trung tâm Phật giáo lớn ở miền Tây. Chùa vừa là là trụ sở văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh vừa là trường Trung cấp Phật học của tỉnh. Nơi đây đã đào tạo nên nhiều vị danh tăng tài cao đức trọng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, chấn hưng quốc học nước ta trong nửa đầu thế kỷ XX. Cũng chính tại ngôi chùa này đã tạo ra những cơ sở ban đầu cho việc hình thành tổ chức GHPGVN, cũng như định hướng cho Giáo hội cùng đông đảo Phật tử Nam bộ gắn đạo pháp với cuộc chiến đấu chung của dân tộc vì độc lập, tự do. Chùa Lưỡng Xuyên hiện trở thành Tổ đình thờ ba vị cao tăng Huệ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh. Cùng được phối tự tại đây còn có các vị Hòa thượng Pháp Hải, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thái Không. Để Lưỡng Xuyên xứng đáng với truyền thống và vai trò hiện tại, theo nguyện vọng chung của phật tử Trà Vinh, phật tử Nam kỳ, BTS PG Tỉnh Trà Vinh đã đứng ra trùng tu và tổ chức lạc thành vào dịp hạ ngươn (Rằm tháng Mười âm lịch) năm 2001. Khuôn viên chùa Lưỡng Xuyên được xem là một “công viên Phật giáo” ngay giữa lòng thị xã Trà Vinh, với tượng Phật tổ bằng đá hoa cương cao hơn 3 mét, nặng 7 tấn uy nghi trên chánh điện. Trong lòng phật tử và người dân Nam bộ, Lưỡng Xuyên là một địa chỉ Phật giáo, một địa chỉ văn hóa dân tộc cần được bảo tồn.
Chùa Âng sử dụng ngôn ngữ Pali, (theo tiếng Campuchia là Wat Angkor Raig Borei), tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ngôi chùa nằm trong cụm danh thắng Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer, là một trong những ngôi chùa lớn, tiêu biểu cho các ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Chùa Âng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 (năm 990). Trải qua hơn 1000 năm, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành. Cổng chùa Âng được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc rất kỳ công, tinh xảo với những tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô típ truyền thống Khmer. Trung tâm của ngôi chùa Khmer là ngôi chánh điện (Preah Vihea) thờ Phật, nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc…
Toàn bộ chánh điện được trụ đỡ bởi hệ thống 18 chiếc cột bằng gỗ quý. Bên trong chánh điện là một không gian rộng với 12 trụ cột được trang trí hình rồng, sơn son thếp vàng.Mái chánh điện chùa Âng được cấu tạo độc đáo, bao gồm ba cấp mái có màu sắc đẹp và hài hòa, trong đó hai mái trên cùng rất cao và dốc, tạo ra cảm giác linh thiêng mà người phật tử phải hết sức khiêm cung khi ngước nhìn. Hai đầu hồi được đóng kín bằng hai tấm gỗ hình tam giác chạm khắc rất công phu. Chùa được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.
Điểm đến cuối cùng trong hành trình ngày thứ 4 đoàn đến khảo sát đó là Chùa Tiểu Cần (thường gọi là Chùa Cây Hẹ thuộc Ấp Cây Hẹ, Thị trấn Tiều Cần, huyện Tiểu Cần), chùa có khuôn viên rộng 91000 m2, được xây dựng từ năm 1.655 của Thế kỷ XVII. Đây là một trong những chùa cổ và nổi tiếng, mang đạm văn hoá của người Khmer và Phật giáo Nam tông. Như bao ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn Trà Vinh, chùa Cây Hẹ là một quần thể các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc của người Khmer. Từ xa nhìn vào, trong chùa có toà nhà với kiến trúc hình tháp vươn thẳng lên trời, mang vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, trang nghiêm được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc rất kỳ công, tinh xảo, hiện được gìn giữ và bảo tồn.
Đi một ngày đàng… với bao nhiêu cảnh vật, gặp những con người đôn hậu, hiền lương; Và chiêm bái những ngôi chùa thôn dã xây dựng kiến trúc nhất quán ở vùng sông nước Cửu Long của người dân Khmer, niềm vui an nhiên cứ dâng đầy: đất nước mình đẹp quá…!
Hồ Thuỷ - Trần Thuỷ
Tổ thông tin và truyền thông
Ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN